Giải Nghĩa Kinh Thiên Đạo Thế Đạo - 54 / 63 (HT.Nguyễn Văn Hồng)


Kinh Hôn Phối (Giọng Nam xuân)
1. Cơ sanh hóa Càn Khôn đào tạo,
2. Do Âm Dương hiệp đạo biến thiên.
3. Con người nắm vững chủ quyền,
4. Thay Trời tạo thế giữ giềng nhơn luân.
5. Ở trước mắt Hồng Quân định phận,
6. Ðạo vợ chồng đã xứng nợ duyên.
7. Trăm năm khá nhớ hương nguyền,
8. Chồng hay trọn nghĩa, vợ hiền trọn trinh.
9. Ðã cùng gánh chung tình hòa ái,
10. Tua đút cơm, sửa dải làm duyên.
11. Dưới trăng bóng ngọc còn nguyên.
12. Ôm bình, bao tóc sang hèn cũng cam.
13. Ðường tổ nghiệp nữ nam hương lửa,

14. Ðốt cho nồng từ bữa ba sanh.
15. Giữa đền để một tấc thành
16. Ðồng sanh đồng tịch đã đành nương nhau."
(Niệm 3 lần Câu Chú của Thầy)

GIẢI NGHĨA
Kinh Hôn Phối do Ðức Nguyệt Tâm Chơn Nhơn giáng cơ ban cho, để tụng trong khi vị Chức sắc làm Phép Hôn Phối cho đôi Tân hôn trong Nội điện Tòa Thánh.
Hôn Phối: Hôn là việc lấy vợ lấy chồng, phối là hiệp lại. Hôn phối là việc con trai con gái phối hợp thành vợ chồng.

Câu 1-2: "Cơ sanh hóa Càn Khôn đào tạo,"
"Do Âm Dương hiệp đạo biến thiên."
Cơ sanh hóa: Cơ là bộ máy, hóa là sanh ra. Cơ sanh hóa là bộ máy của Trời hóa sanh vạn vật. Càn Khôn: CKVT.
Ðào tạo: Ðào là nhồi nắn; tạo là làm ra. Ðào tạo là nhồi nắn làm ra. Âm Dương: Hai chất khí Âm quang và Dương quang, do Thái cực biến hóa sanh ra. Ðức Chí Tôn làm chủ Dương quang, và Ðức Phật Mẫu làm chủ Âm quang.
Hiệp đạo: Hiệp là hợp lại, đạo là con đường. Hiệp đạo là hai con đường hợp lại. Biến thiên: Thay đổi.
C.1-2: "Cơ sanh hóa của Ðức Chí Tôn đào tạo ra CKVT và vạn vật là do 2 Khí Âm quang và Dương quang hợp lại và biến hóa sanh ra."

Câu 3-4: "Con người nắm vững chủ quyền,"
"Thay Trời tạo thế giữ giềng nhơn luân."
Tạo thế: Tạo lập ra cõi đời. Nhơn luân: Luân là cách cư xử theo lẽ phải trong cuộc sống. Nhơn luân là phép tắc để con người cư xử với nhau cho hợp lẽ phải và đạo đức.
C.3-4: "Con người được Ðức Chí Tôn giao cho cái chủ quyền thay thế Ðức Chí Tôn tạo ra cõi đời, và phải gìn giữ giềng mối nhơn luân."

Câu 5-6: "Ở trước mắt Hồng Quân định phận,"
"Ðạo vợ chồng đã xứng nợ duyên."
Hồng Quân: Hồng là to lớn, Quân là cái bàn xoay của người thợ nặn đồ gốm. Hồng Quân là cái bàn xoay to lớn để nặn ra các thứ đồ vật, ý so sánh để nói rằng Ðấng Tạo Hóa đã chuyển vận 2 Khí Âm Dương làm như cái bàn xoay để sản xuất ra vạn vật. Trong Văn Tuyển có câu: "Hồng Quân đào vạn loại, Ðịa khối bẩm quần sanh." Nghĩa là: Trời nhào nặn ra muôn vật, Ðất nuôi sống chúng sanh.
Vậy Hồng Quân là Ông Trời, Hóa Công, Thượng Ðế.
Ðịnh phận: Sắp đặt cái số phận cho mỗi người.
Ðạo vợ chồng: Phép tắc cư xử giữa vợ chồng. Nợ duyên: Duyên nợ, mối dây ràng buộc thành vợ chồng do nợ nần với nhau từ kiếp trước.
C.5-6: "Ở trước mắt Ðức Chí Tôn, Ngài sắp đặt số phận 2 người thành vợ chồng, cư xử cho xứng duyên nợ với nhau."

KHẢO DỊ:
- Kinh Lễ năm 1952: Ở trước mặt.
- Kinh TÐ-TÐ 1936, 1968, 1974, 1975: Ở trước mắt.

Câu 7-8: "Trăm năm khá nhớ hương nguyền,"
"Chồng hay trọn nghĩa, vợ hiền trọn trinh."
Trăm năm: Một đời người, suốt đời. Hương nguyền: Ðốt nhang khấn vái thề nguyền với nhau. Chồng hay: Chồng tài giỏi. Trọn nghĩa: Tròn vẹn trong việc cư xử đúng lẽ phải. Trọn trinh: Giữ trọn lòng ngay thẳng trong sạch với chồng.
C.7-8: "Suốt đời phải ghi nhớ buổi đốt nhang khấn vái thề nguyền với nhau. Chồng tài giỏi giữ trọn nghĩa thì người vợ hiền phải giữ trọn tiết trinh."

Câu 9-10: "Ðã cùng gánh chung tình hòa ái,"
"Tua đút cơm, sửa dải làm duyên."
Cùng gánh: Cùng nhau gánh vác.
Chung tình: Tình yêu chung thủy.
Hòa ái: Thương yêu hòa thuận nhau. Tua: Phải, nên.
ÐÚT CƠM: Ðút cho ăn từng miếng cơm. Chồng đút cơm cho vợ ăn, theo điển tích Tống Hoằng:

Dưới triều vua Quang Vũ nhà Hậu Hán, có quan Ðại Phu là Tống Hoằng, tánh chánh trực và lại có tình nghĩa.
Tống Hoằng có một người vợ chẳng may bị bịnh phải mù lòa. Hằng ngày, ngoài giờ làm việc quan, Tống Hoằng săn sóc vợ và đút cơm cho vợ ăn. Dù vợ bị mù lòa nhưng Tống Hoằng vẫn một lòng thương yêu chung thủy.

Vua Quang Vũ có chị là Hồ Dương Công Chúa sớm góa chồng, rất ái mộ Tống Hoằng và thường nói: Nếu ai được như Tống Hoằng thì Công Chúa mới chiụ ưng làm chồng. Vua Quang Vũ biết vậy nên gọi riêng Tống Hoằng đến ướm lời:
- Ngạn vân: Quí dịch giao, phú dịch thê, hữu chư?
(Ngạn ngữ nói rằng: Sang đổi bạn, giàu đổi vợ, có chăng?)

Tống Hoằng tâu rằng:
- Thần văn: Bần tiện chi giao mạc khả vong, tao khang chi thê bất khả hạ đường. (Thần nghe: Bạn bè lúc nghèo hèn chớ nên quên, người vợ tấm cám chớ để nhà sau.)
Hán Quang Vũ và Công Chúa nghe Tống Hoằng nói thế thì bỏ ngay ý định của mình và rất kính phục Tống Hoằng.

"Tống Hoằng chí trượng phu không đổi,
Giữ nhơn luân, sợ lỗi đạo hằng.
Từ duyên Công Chúa giao thân,
Ðút cơm vợ quáng ân cần dưỡng nuôi."
(Trích NTTP của Ðoàn thị Ðiểm)

SỬA DẢI: Dải là cái băng dài bằng vải hay lụa, cột thòng xuống nơi áo lễ hay nơi mão, gọi là dải áo hay dải mão. Sửa dải là người vợ sửa dải áo hay dải mão trong bộ triều phục của chồng trước khi chồng vào triều chầu vua, ý nói: Người vợ chăm nom săn sóc chồng.

Sự tích sửa dải của Vợ Châu Công như sau:
Châu Công Ðán, thường gọi là Châu Công, là con thứ tư của vua Văn Vương, là em của Võ Vương, phò Võ Vương làm đến tước Hầu. Khi Châu Công vào triều chầu vua, vợ Châu Công thường cột dải áo và dải mão cho chồng. Khi chồng trở về thì ra săn sóc chồng, tháo dải áo và dải mão ra cất, với một tình thương yêu đậm đà, lại còn lo tề gia nội trợ, lo việc canh cửi làm gương cho dân, chớ không ỷ mình là mệnh phụ của triều đình mà kiêu hãnh.

"Vợ Châu Công đình thần mạng phụ,
Ở thôn quê lam lụ làm ăn.
Chồng thì triều nội cao sang.
Vợ lo canh cửi cơ hàn khổ thân.
Giúp chồng đặng ân cần nhiếp chánh,
Cho nên trang Chúa Thánh tôi hiền.
Vợ không tham nhũng bạc tiền,
Chồng lo trọn đạo nắm quyền chăn dân."
(Trích trong NTTP của Ðoàn thị Ðiểm)

C.9-10: Ðã cùng gánh chung tình hòa ái, Tua đút cơm sửa dải làm duyên, nghĩa là: Ðã cùng nhau xây dựng gia đình thì phải giữ lòng chung thủy thương yêu hoà thuận cùng nhau, săn sóc nhau lúc hoạn nạn như Tống Hoằng đút cơm cho vợ mù lòa, như vợ Châu Công sửa dải áo và dải mão cho chồng tạo nên cái duyên dáng của vợ đối với chồng.

Câu 11: "Dưới trăng bóng ngọc còn nguyên."
"Bóng ngọc: Bóng dáng của người con gái đẹp."
C.11: "Dưới ánh trăng, bóng dáng của người con gái đẹp vẫn còn giữ được nguyên vẹn."
Ðiển tích: Có một vị quan sanh được một đứa con gái rất đẹp, lại có tài văn học. Khi đến tuổi cập kê, ông muốn chọn rể đông sàng cho vừa ý con gái, bằng cách cho con gái thử thách tài nghệ các chàng trai đến dạm hỏi.
Vào một đêm trăng, ông cho trải chiếu giữa sân để con gái cùng cậu trai đàm thuyết thử tài nhau, nhưng không đặng làm điều sái phép giữa nam và nữ. Chàng trai giữ đúng tư cách lễ nghi, lại có tài văn học, nên được chọn làm rể. Hai vợ chồng ăn ở rất tương kính và hạnh phúc.

Câu 12: "Ôm bình, bao tóc sang hèn cũng cam."
Ôm bình: Ôm giữ tấm bình phong, ý nói lấy được vợ đẹp, giàu sang, theo sự tích sau đây:
Trước thời nhà Ðường, Ông Ðậu Nghị là một quan lớn có người con gái rất đẹp vừa đến tuổi lấy chồng. Ông muốn chọn rể có tài cung kiếm (vì đang thời loạn lạc), ông ra điều kiện cho các chàng trai đến gấm ghé: Trong nhà có treo tấm bình phong, trên đó có vẽ đôi chim sẻ rất đẹp, lay động theo làn gió nhẹ. Chàng trai nào bắn trúng mắt chim sẻ thì được nhận làm rể. Nhiều cậu đến bắn nhưng không trúng, tới phiên Lý Uyên đến bắn thì trúng ngay mắt chim nên được nhận làm rể. Về sau, Lý Uyên trở thành vua Ðường Cao Tổ, mở ra nhà Ðường và vợ trở thành Ðậu Hoàng Hậu. Hai vợ chồng vẫn giữ mãi tấm bình phong để làm kỷ niệm mối duyên vợ chồng.

Bao tóc: Bao kín mái tóc lại, ý nói giữ lòng chung thủy với chồng dù khi gặp hoạn nạn, theo điển tích sau đây:
Vào đời nhà Ðường có Ông Giả Trực Ngôn đang làm quan, vì mang tội với vua nên bị vua đày đi xuống Lãnh Nam 20 năm. Giả Trực Ngôn về than với vợ: Tôi chẳng may bị vua bắt tội, đày vào Lãnh Nam 20 năm, không biết sống chết lẽ nào. Vậy nay tôi không ràng buộc nàng làm vợ tôi nữa, để nàng tự do chọn tấm chồng khác nương nhờ tấm thân về sau.
Người vợ nghe nói vậy thì khóc rống lên, rồi đi lấy lụa trắng vấn tóc lại thật chặt, xong bảo chồng lấy viết đề lên đó mấy chữ: "Phi quân thủ bất giải "(Không phải tay chồng không được gỡ ra). Ý vợ của Ngôn quyết giữ lòng chung thủy, chờ ngày chồng mãn hạn lưu đày trở về đoàn tụ.
C.12: "Ðã kết thành vợ chồng với nhau thì phải giữ lòng chung thủy đến trọn đời, nếu giàu sang thì cùng hưởng, nếu hoạn nạn thì cùng chung chịu."

Câu 13-14: "Ðường tổ nghiệp nữ nam hương lửa,"
"Ðốt cho nồng từ bữa ba sanh."
Tổ nghiệp: Sự nghiệp của Tổ Tiên để lại. Ðường tổ nghiệp: Con đường nối tiếp sự nghiệp của Tổ Tiên.
Hương lửa: Hương lửa là nhang đèn, chỉ sự đốt nhang khấn vái thề nguyền kết thành chồng vợ. Nữ Nam hương lửa: Tình nghĩa thắm thiết giữa vợ chồng. Ba sanh: Ba kiếp sống, đã thề nguyền kết hợp với nhau thì nội trong 3 kiếp thế nào cũng phải gặp nhau. Ba sanh là ý nói duyên nợ tiền định.
C.13-14: "Ðể nối tiếp sự nghiệp của Tổ tiên, vợ chồng phải thương yêu nhau, ăn ở nồng thắm với nhau, vì việc vợ chồng là duyên nợ tiền định."

Câu 15-16: "Giữa đền để một tấc thành,"
"Ðồng sanh đồng tịch đã đành nương nhau."
Giữa đền: Giữa đền thờ Ðức Chí Tôn. Tấc thành: Tấm lòng thành thật. Ðồng sanh đồng tịch: Do câu thơ cổ: "Sanh đồng tịch đồng sàng, thác đồng quan đồng quách." Nghĩa là: Sống thì cùng ăn trên một chiếc chiếu, cùng nằm trên một chiếc giường, chết thì cùng nằm trong một cái hòm. (Tịch là chiếc chiếu, Sàng là cái giường).
C.15-16: "Giữa đền thờ Ðức Chí Tôn, hãy bày tỏ tấm lòng thành thật. Vợ chồng sống chung với nhau thì phải giữ lòng chung thủy, nương dựa và chung chịu với nhau suốt đời."
1 ]  2 ]  3 ]  4 ]  5 ]  6 ]  7 ]  8 ]  9 ]  10 ]  11 ]  12 ]  13 ]  14 ]  15 ]  16 ]  17 ]  18 ]  19 ]  20 ] [ 21 ]  22 ]  23 ]  24 ]  25 ]  26 ]  27 ]  28 ]  29 ]  30 ]  31 ]  32 ]  33 ]  34 ]  35 ]  36 ]  37 ]  38 ]  39 ]  40 ]  41 ]  42 ]  43 ]  44 ]  45 ]  46 ]  47 ]  48 ]  49 ]  50 ]  51 ]  52 ]  53 ]  54 ]  55 ]  56 ]  57 ]  58 ]  59 ]  60 ]  61 ]  62 ]  63 ]

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét