Giải Nghĩa Kinh Thiên Đạo Thế Đạo - 20 / 63 (HT.Nguyễn Văn Hồng)


KINH CẦU HỒN KHI HẤP HỐI (Giọng Nam ai)
1. "Rấp nhập cảnh Thiêng liêng Hằng sống.
2. Chốn quê xưa giải mộng trần gian.
3. Dìu đường thoát tục nắm phan.
4. Trông Kinh Bạch Ngọc định thần giải căn.
5. Diêu Trì Cung sai nàng Tiên Nữ,
6. Phép Lục Nương gìn giữ chơn hồn.

7. Tây phương Tiếp Dẫn Ðạo Nhơn,
8. Phướn linh khai mở nẻo đường Lôi Âm.
9. Ớ (Tên họ kẻ qui vị) thành tâm cầu nguyện,
10. Nguyện Chí Tôn linh hiển độ sanh.
11. Ăn năn sám hối tội tình,
12. Xét câu Minh Thệ, gởi mình cõi thăng.
13. Dầu nghiệt chướng số căn quả báo.
14. Ðừng hãi kinh, cầu đảo Chí Tôn.
15. Cửa Ðịa ngục khá lánh chơn.
16. Ngọc Hư Cực Lạc đon đường ruổi dong.
17. Dầu trọn kiếp sống không nên đạo,
18. Dầu oan gia tội báo buộc ràng.
19. Chí Tôn xá tội giải oan.
20. Thánh Thần Tiên Phật cứu nàn độ vong.
21. Kìa chiếu diệu bóng hồng Bắc Ðẩu,
22. Kìa im đìm phúc hậu Nam Tào.
23. Cảnh thăng trổi gót cho mau,
24. Xa vòng tục lự đặng chầu Chí Linh."
(Niệm 3 lần Câu Chú của Thầy).

GIẢI NGHĨA
Kinh Cầu Hồn Khi Hấp Hối do Ðức Nguyệt Tâm Chơn Nhơn giáng cơ ban cho, để tụng lúc một vị Tín đồ đang hấp hối hay vừa mới dứt hơi.
Hấp hối: Sắp chết. Dứt hơi: Hơi thở chấm dứt, chết.

Câu 1: "Rấp nhập cảnh Thiêng liêng Hằng sống."
Rấp: Ðịnh, toan, sắp sửa. Nhập: Ði vào.
Cảnh Thiêng liêng Hằng sống: Cõi của những người đắc đạo. Con đường TLHS: là con đường dành cho các chơn hồn, khi thoát xác, từ bỏ cõi trần, trở về với Ðức Chí Tôn nơi cõi Thiêng liêng để được định vị thăng hay đọa.

Ðức Phạm Hộ Pháp thuyết đạo Con đường TLHS:
"Con đường về với Ðức Chí Tôn không phải dễ, mà cũng không phải tới liền. Muốn về với Ðức Chí Tôn, ta phải qua nhiều Cung, nhiều Ðiện (Y theo 9 bài Kinh Tuần Cửu, Tiểu Tường và Ðại Tường). Mỗi Cung, chúng ta gặp một sự lạ, mỗi Ðiện chúng ta gặp một huyền vi khác nhau. Phải đi từ Cung nầy đến Ðiện nọ, nên gọi là Dục tấn trên Con đường Thiêng liêng Hắng Sống. Về được với Ðức Chí Tôn không còn hạnh phúc nào bằng."
C.1: "Sắp sửa bước vào cõi Thiêng liêng Hằng sống."

Câu 2: "Chốn quê xưa giải mộng trần gian."
Chốn quê xưa: Nơi mình đã được sanh ra và sống ở đó nhiều năm.
Theo Giáo lý của Ðạo Cao Ðài, các Nguyên nhân là những người được Ðức Chí Tôn sanh ra từ lúc Khai Thiên nơi cõi TLHS. Sau đó, Ðức Phật Mẫu cho các Nguyên nhân đầu thai xuống cõi trần, để khai hóa cho các Hóa nhân và cũng để kinh nghiệm học hỏi tiến hóa. Khi xong nhiệm vụ thì phải trở về cõi TLHS là nơi quê cũ.

Như vậy, cõi trần là cõi tạm, nơi mà Ðức Phật Mẫu sai xuống công tác một thời gian, khi xong việc thì phải trở về. Cái sống nơi cõi trần là sống tạm, cái sống nơi cõi TLHS mới là cái sống vĩnh cửu.

Giải: Cởi bỏ ra. Mộng trần gian: Giấc mộng trần. Cuộc sống của con người nơi cõi trần và các hoạt động ở nơi đó được các Ðấng Thiêng liêng xem như là một giấc mộng, bởi vì nó ngắn ngủi và không bền, tan mất theo thời gian. Do đó, các Ðấng thường dùng các thành ngữ: Giấc Huỳnh lương, Giấc Nam Kha, Giấc mộng xuân, Giấc mộng trần để chỉ về đời sống của con người nơi cõi trần.
(TNHT: Huỳnh lương một giấc cuộc đời in.)

Giải mộng trần gian: Cởi bỏ giấc mộng trần, tức là cởi bỏ cuộc sống nơi cõi trần. Ý nói: Ðã chết.
C.2: "Cái chết nơi cõi trần là để linh hồn trở về nơi quê cũ."

Câu 3: "Dìu đường thoát tục nắm phan."
Dìu: Dẫn dắt. Thoát tục: Linh hồn thoát ra khỏi cõi trần. Phan: Cây phướn dùng để dẫn đường.
C.3: "Khi linh hồn thoát ra khỏi cõi trần thì phải đi theo cây phướn dẫn đường."

Câu 4: "Trông Kinh Bạch Ngọc định thần giải căn."
Trông: Nhìn, trông thấy. Kinh Bạch Ngọc: Bạch Ngọc Kinh, tòa lâu đài bằng ngọc trắng là nơi ngự của Ðức Chí Tôn Ngọc Hoàng Thượng Ðế. (Xem chi tiết nơi: C.6 KNHTÐ)

Ðịnh thần: Làm cho tinh thần ổn định, bình tỉnh trở lại. Giải căn: Cởi bỏ cái gốc rễ, tức là cởi bỏ hết tất cả các việc làm dù thiện dù ác trong lúc còn sống nơi cõi trần.
C.4: "Nhìn lên Bạch Ngọc Kinh đặng định tỉnh tinh thần và cởi bỏ hết các việc làm trong lúc còn sống nơi cõi trần."

Câu 5-6: "Diêu Trì Cung sai nàng Tiên Nữ,"
"Phép Lục Nương gìn giữ chơn hồn."
Lục Nương: Vị Nữ Tiên đứng hàng thứ 6 trong Cửu vị Tiên Nương ở DTC nơi cõi thiêng liêng. Lục Nương có Bửu pháp là Cây Phướn Truy Hồn hay Phướn Tiêu Diêu để gìn giữ và dẫn dắt các Chơn hồn đi vào Cửu Trùng Thiên.

CHƠN HỒN: Nghĩa thông thường là Chơn linh, Linh hồn. Nhưng trong tất cả các bài kinh do Ðức Nguyệt Tâm Chơn Nhơn giáng cơ, Ngài đều dùng từ ngữ Chơn hồn để chỉ Chơn thần của con người, tức là Xác thân TL, hay Nhị xác thân.
C.5-6: "Ðức Phật Mẫu nơi DTC sai Tiên Nữ Lục Nương cầm Phướn Truy hồn đến gìn giữ Chơn thần người mới chết."

Câu 7 -8: "Tây phương Tiếp Dẫn Ðạo Nhơn,"
"Phướn linh khai mở nẻo đường Lôi Âm."
Tây phương: Chỉ cõi Tây Phương Cực Lạc, hay Cực Lạc Thế Giới, vì cõi nầy ở về hướng Tây, so với Ngọc Hư Cung. Tây Phương Cực Lạc có chùa Lôi Âm (Lôi Âm Tự).

Thời Nhị Kỳ Phổ Ðộ, Ðức Phật A-Di-Ðà làm Chưởng giáo CLTG. Sang thời Tam Kỳ Phổ Ðộ, Ðức Phật A-Di-Ðà trao chức vụ nầy lại cho Ðức Di-Lạc Vương Phật, Giáo Chủ Hội Long Hoa, và Ðức A-Di-Ðà vào ngự nơi Lôi Âm Tự.

Tiếp Dẫn Ðạo Nhơn: là vị Phật có nhiệm vụ tiếp rước và dẫn dắt các Chơn hồn đến CLTG. Tiếp Dẫn Ðạo Nhơn cầm Cây Phướn Tiếp Dẫn, có giáng cơ cho bài thi:
"Tang điền thương hải chẳng bao xa,
Khuyên trẻ lo tu kịp tuổi già.
Danh lợi đường đời như cụm khói,
Công thành cửa Phật tợ Liên hoa.
Lăng xăng mặt đất lo không cửa,
Thanh tịnh vườn Tiên khỏe vạn nhà.
Nhớ tới Long Hoa gần sắp đặt,
Bần Tăng vội vã dắt thuyền qua."

(Trích trong Văn Thi Hiệp Tuyển của Phối Sư Thái Ðến Thanh)
C.7-8: "Nơi cõi CLTG ở về hướng Tây, Ðức Phật Tiếp Dẫn Ðạo Nhơn cầm cây Phướn linh là cây Phướn Tiếp Dẫn, đi khai mở con đường đi đến Lôi Âm Tự."

Câu 9-10: "Ớ (Tên họ kẻ qui vị) thành tâm cầu nguyện,"
"Nguyện Chí Tôn linh hiển độ sanh."
Ớ: Cất tiếng gọi tên họ của người đang hấp hối hay vừa mới dứt hơi. Thành tâm: Tấm lòng thành thật.

Cầu nguyện: Cầu là xin, nguyện là mong ước. Cầu nguyện là cầu xin Ðức Chí Tôn ban cho mình điều mà mình mong ước. Linh hiển: Linh là thiêng liêng, hiển là hiện ra rõ ràng. Linh hiển là hiện rõ ra một cách TL huyền diệu.

Ðộ sanh: Ðộ là cứu giúp, sanh là sống. Ðộ sanh là cứu giúp thoát qua biển khổ để được sống nơi cõi TLHS.
C.9-10: "Kêu gọi Chơn hồn người chết hãy thành tâm cầu nguyện Ðức Chí Tôn, xin Ðức Chí Tôn linh hiển cứu giúp thoát qua biển khổ để được đi lên sống nơi cõi TLHS."

Câu 11-12: "Ăn năn sám hối tội tình,"
"Xét câu Minh Thệ, gởi mình cõi thăng."
Ăn năn: Cảm thấy ray rứt đau xót trong lòng về lầm lỗi của mình đã gây ra. Sám hối: Ân hận những lỗi lầm của mình và thật lòng muốn sửa đổi, không để cho tái phạm nữa.

Tội tình: Tội lỗi đáng bị trừng phạt. Cõi thăng: Cõi của các linh hồn được siêu thăng, tức là cõi TLHS.
Minh Thệ: Minh là thề ước, Thệ là thề nguyền. Minh Thệ là lời thề hứa chắc phải thực hiện đúng điều đã nguyện.
Khi một người muốn nhập môn vào Ðạo Cao Ðài, người đó phải lập Minh Thệ trước Thiên bàn thờ Ðức Chí Tôn, có vị Chánh Trị Sự hay của Chức sắc sở tại chứng kiến.
Lời Minh Thệ do Ðức Chí Tôn đặt ra, có in trong TNHT. I. 17, gồm 36 chữ, chép ra như sau:

Tôi tên ....................... tuổi ..........
"Thề   rằng:   Từ       đây      biết      một      Ðạo     Cao     Ðài      Ngọc   Ðế,      chẳng
1          2          3          4          5          6          7          8          9          10        11        12
đổi       dạ        đổi       lòng,   hiệp     đồng    chư     môn     đệ,       gìn      luật     lệ
13        14        15        16        17        18        19        20        21        22        23        24
Cao     Ðài,     như     sau              lòng    hai      thì       Thiên  tru       Ðịa      lục."
25        26        27        28        29        30        31        32        33        34        35        36

Xét câu Minh Thệ: Hồi tưởng xem xét lại trong suốt kiếp sanh của mình nơi cõi trần, mình có giữ đúng Lời Minh Thệ của mình không? Tức là:
Có đổi dạ đổi lòng không?
Có hiệp đồng cùng chư môn đệ không?
Có gìn luật lệ Cao Ðài không?

Nếu có điều nào mình làm không đúng Lời Minh Thệ thì phải ăn năn sám hối và cầu khẩn Ðức Chí Tôn tha thứ.
C.11-12: "Hãy nhớ rõ Lời Minh Thệ khi nhập môn vào Ðạo để tự xét mình mà ăn năn sám hối tội tình, cầu khẩn Ðức Chí Tôn tha thứ và cứu rỗi để được siêu thăng lên cõi TLHS."

Câu 13:   "Dầu nghiệt chướng số căn quả báo."
Nghiệt chướng: Nghiệt là cái mầm ác tạo nghiệp ác, Chướng là trở ngại. Nghiệt chướng là sự ngăn trở do nghiệp ác gây ra. Kiếp trước mình làm nhiều việc gian ác, nó sẽ trở thành Nghiệp ác, ảnh hưởng lên kiếp sống nầy, làm cho kiếp nầy phải bị nhiều chướng ngại như: Bệnh tật, tai ương. Sự báo ứng đó hoàn toàn theo đúng Luật Nhân quả.

Số căn: Cái số phận của mình được định bởi cái nghiệp do các việc làm thiện ác của mình đã gây ra trong các kiếp sống trước. Quả báo: Cái kết quả báo đáp lại những việc làm thuở trước. Làm lành thì được báo đáp bằng những điều may mắn tốt đẹp; làm ác thì được báo đáp bằng những tai họa và phiền não.
C.13: "Dù cho số phận mình bị nghiệt chướng nên gặp phải hoạn nạn tai ương báo đáp lại."

KHẢO DỊ:
* Kinh Lễ in bên Pháp năm 1952: Dầu nghiệp chướng ...
* Kinh TÐ-TÐ năm 1936, 1968, 1974, 1975: Dầu nghiệt chướng ...

Nghiệp chướng: Nghiệp là con đường đi từ Nhân tới Quả. Nghiệp được tạo ra bởi các việc làm lành hay dữ trong kiếp trước, tuy nó vô hình nhưng nó ảnh hưởng lên kiếp sống hiện tại, bằng sự may và sự rủi, để làm cho kiếp sống hiện tại được hạnh phúc hay đau khổ. Việc làm lành sẽ tạo nên Nghiệp lành (Thiện nghiệp), cái Nghiệp lành nầy nó theo ủng hộ mình, nâng đỡ mình (mà mình gọi đó là dịp may). Còn việc làm ác sẽ tạo ra Nghiệp ác (Bất thiện nghiệp), cái Nghiệp ác nầy nó theo báo hại mình (mà mình gọi đó là xui xẻo, rủi ro) khiến mình bị hoạn nạn tai ương và phiền não.

Vậy, Nghiệp chướng là những ngăn trở khó khăn trong kiếp sống hiện tại do Nghiệp ác tạo ra.
Hai từ ngữ: Nghiệt chướng và Nghiệp chướng, xem như đồng nghĩa, nhưng Nghiệt chướng có ý nghĩa rõ rệt hơn.

Câu 14:   "Ðừng hãi kinh, cầu đảo Chí Tôn."
Hãi kinh: Hãi là sợ, kinh là sợ sệt lắm. Hãi kinh hay Kinh hãi là rất sợ sệt. Cầu đảo: Cầu là xin; đảo là cúng tế cầu xin. Cầu đảo là cúng tế cầu xin.
C.14: "Ðừng quá sợ sệt, hãy cúng tế và cầu khẩn Chí Tôn."

Câu 15-16: "Cửa Ðịa ngục khá lánh chơn."
"Ngọc Hư Cực Lạc đon đường ruổi dong."
Ðịa ngục: Cõi tối tăm thấp kém nhất, dùng để giam giữ và trừng trị các linh hồn tội lỗi. Khá: Nên.

Lánh chơn: Bước đi lánh ra chỗ khác.
Ngọc Hư: Ngọc Hư Cung, ở từng Trời thứ 10 Hư Vô Thiên, là cơ quan cầm quyền chánh trị CKTG. Không có một ngôi sao nào, một Mặt Trời nào hay một Ðịa cầu nào đứng trong CKVT mà không chịu dưới quyền của Ngọc Hư Cung.
Cực Lạc: Cực Lạc Thế giới hay Tây phương Cực Lạc, là cõi của chư Phật, hoàn toàn an vui sung sướng.
Ðon đường: Hỏi thăm dò cho biết đường đi.
Ruổi dong: Ði thẳng một mạch cho mau tới nơi.
C.15-16: "Hãy bước đi lánh xa cõi Ðịa ngục, hỏi thăm đường để đi thẳng một mạch tới Ngọc Hư Cung và CLTG."

Câu 17-18: "Dầu trọn kiếp sống không nên đạo,"
"Dầu oan gia tội báo buộc ràng."
Sống không nên đạo: Sống mà không làm được việc gì có tánh cách đạo đức, sống mà không làm được việc gì hữu ích cho Ðạo. Ý nói: Người không thực tâm tu hành, theo Ðạo đặng dựa hơi cầu lợi, không thành tâm tín ngưỡng.

Oan gia: Oan là thù giận, gia là người. Oan gia là người có mối thù hận với mình. Tội báo: Báo đáp lại cái tội lỗi đã gây ra lúc trước. Buộc ràng: Ràng buộc, dùng dây buộc lại, không cho sút ra.
C.17-18: "Dầu cho trọn kiếp sống mà không làm được việc gì đạo đức, dầu cho kẻ oan gia đến bắt buộc phải đền trả cái tội lỗi đã gây ra lúc trước."

Câu 19:   "Chí Tôn xá tội giải oan."
Xá tội: Tha thứ tội lỗi. Giải oan: Cởi bỏ hết các thù giận, tức là cởi bỏ hết các mối dây oan nghiệt.
C.19: "Cầu xin Ðức Chí Tôn xá tội và giải oan."

Trong thời kỳ Khai Ðạo, Ðức Chí Tôn đại khai ân xá, ban cho Phép Giải Oan để cởi bỏ hết các oan nghiệt đã gây ra trong kiếp sống, đồng thời cũng ban cho: Phép Xác để tẩy rửa Chơn thần cho trong sạch. Phép Ðoạn căn để cắt đứt 7 Dây Oan nghiệt, cho Vong hồn được siêu thăng. Ðây là thời kỳ mà nhơn loại được hưởng nhiều ơn huệ nhứt của Chí Tôn.

Câu 20:   "Thánh Thần Tiên Phật cứu nàn độ vong."
Cứu nàn: Cứu giúp tai nạn. Chữ Nàn là do chữ Nạn đọc trại ra. Ðộ vong: Cứu độ vong hồn (linh hồn người chết).
C.20: "Các Ðấng Thần, Thánh, Tiên, Phật, cứu giúp các tai nạn và độ rỗi linh hồn người chết."

Câu 21-22: "Kìa chiếu diệu bóng hồng Bắc Ðẩu,"
"Kìa im đìm phúc hậu Nam Tào."
Chiếu diệu: Chiếu là rọi sáng, diệu là rực rỡ. Chiếu diệu là chiếu sáng rực rỡ. Bóng hồng: Ánh sáng màu hồng.
Bắc đẩu: Ngôi sao sáng ở hướng Bắc, nằm đúng trên trục quay của Ðịa cầu, nên còn được gọi là sao Bắc Cực. Sao Bắc đẩu là một định tinh, các ngôi sao khác thì chuyển động quanh sao Bắc đẩu. Cho nên sao Bắc đẩu là trung tâm của CKVT. Do đó, Ðức Chí Tôn bảo vẽ Thiên Nhãn ngay trên ngôi sao Bắc đẩu. Sao Bắc đẩu nằm trong chùm sao Thất Tinh, gồm 7 ngôi sao, mà Thiên văn học gọi là Tiểu Hùng Tinh. Chùm sao Thất tinh có hình cái bánh lái tàu, sao Bắc đẩu là ngôi sao ở đầu cán bánh lái.
Nam Tào: Ngôi sao ở hướng Nam. Sao Nam Tào cũng được gọi là sao Nam Cực, vì nó xác định gần đúng hướng Nam của Ðịa cầu. Rất khó nhìn thấy sao Nam Tào, vì nó ở rất thấp, nằm gần chơn trời. Muốn tìm sao Nam Tào, chúng ta tìm chùm sao chữ Thập (La Croix du Sud), kéo một đường thẳng tưởng tượng nối dài nét sổ dài của chữ Thập xuống phía chơn trời, chúng ta gặp một ngôi sao hơi lu, đó là Nam Tào.

Hai vị Tiên cai quản 2 ngôi sao Nam Tào và Bắc Ðẩu là: Nam Cực Tinh Quân và Bắc Ðẩu Tinh Quân. Tương truyền hai vị Tinh Quân nầy coi Bộ Sanh và Bộ Tử của nhơn loại.
Im đìm: Yên lặng hoàn toàn. Phúc hậu: Phúc hay Phước là điều may mắn tốt lành, Hậu là dày dặn. Phúc hậu là phước đức dày dặn, hay làm điều lành cho người khác.
C.21-22: "Kìa là ngôi Bắc đẩu chiếu ra rực rỡ ánh sáng màu hồng; kìa là ngôi Nam Tào lặng yên và phúc hậu."

Câu 23-24: "Cảnh thăng trổi gót cho mau,"
"Xa vòng tục lự đặng chầu Chí Linh."
Cảnh thăng: Cảnh mà các linh hồn siêu thăng đến ở, đó là cõi TLHS. Trổi gót: Cất bước lên đường. Trổi là cất lên, gót là cái gót chân.
Tục lự: Tục là tầm thường thấp kém, chỉ cõi trần; Lự là lo lắng. Tục lự là những nỗi lo lắng của con người sống nơi cõi trần. Chầu: Hầu vua để chờ nghe mệnh lệnh.
Chí Linh: Rất thiêng liêng, chỉ Ðức Chí Tôn.
C.22-23: "Hãy cất bước đi mau lên cõi TLHS, lánh xa khỏi vòng tục lự, đặng lên chầu Ðức Chí Tôn."

KHẢO DỊ:
* Kinh Lễ in bên Pháp năm 1952: tục lụy...
* Kinh TÐ-TÐ năm 1936, 1968, 1974, 1975: tục lự ...
Tục lụy: Lụy là buồn rầu, phiền não;
Tục lự là những nỗi phiền não nơi cõi trần.
1 ]  2 ]  3 ]  4 ]  5 ]  6 ]  7 ]  8 ]  9 ]  10 ]  11 ]  12 ]  13 ]  14 ]  15 ]  16 ]  17 ]  18 ]  19 ]  20 ] [ 21 ]  22 ]  23 ]  24 ]  25 ]  26 ]  27 ]  28 ]  29 ]  30 ]  31 ]  32 ]  33 ]  34 ]  35 ]  36 ]  37 ]  38 ]  39 ]  40 ]  41 ]  42 ]  43 ]  44 ]  45 ]  46 ]  47 ]  48 ]  49 ]  50 ]  51 ]  52 ]  53 ]  54 ]  55 ]  56 ]  57 ]  58 ]  59 ]  60 ]  61 ]  62 ]  63 ]

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét