Giải Nghĩa Kinh Thiên Đạo Thế Đạo - 38 / 63 (HT.Nguyễn Văn Hồng)


KINH ÐẠI TƯỜNG
(Giọng Nam xuân)
1. "Hỗn Nguơn Thiên dưới quyền Giáo chủ,
2. Di-Lạc đương thâu thủ phổ duyên.
3. Tái sanh sửa đổi chơn truyền.
4. Khai cơ tận độ Cửu tuyền diệt vong.
5. Hội Long Hoa tuyển phong Phật vị.

6. Cõi Tây phang đuổi quỉ trừ ma.
7. Giáng linh Hộ Pháp Di-Ðà,
8. Chuyển cây Ma Xử đuổi tà trục tinh.
9. Thâu các đạo hữu hình làm một,
10. Trường thi Tiên Phật duợt kiếp khiên.
11. Tạo đời cải dữ ra hiền,
12. Bảo sanh nắm giữ diệu huyền Chí Tôn."
 (Niệm Câu Chú của Thầy 3 lần)

GIẢI NGHĨA
Kinh Ðại Tường, còn được gọi là Hỗn Nguơn Kinh, do Ðức Phật Thích Ca Mâu Ni giáng cơ ban cho.
Nội dung bài Kinh nầy, Ðức Phật Thích Ca cho biết Ðức Di-Lạc Vương Phật hiện nay đang chưởng quản từng Trời Hỗn Nguơn Thiên và làm Giáo Chủ Hội Long Hoa để tuyển phong Phật vị trong thời ÐÐTKPÐ. Ðức Phật Di-Lạc còn thay mặt Ðức Chí Tôn thực hiện tôn chỉ "Qui nguyên Tam giáo và phục nhứt Ngũ Chi Ðại Ðạo" để lập đời Thánh đức, tạo ra một xã hội Ðại đồng cho toàn nhơn loại.

Câu 1-2: "Hỗn Nguơn Thiên dưới quyền Giáo chủ, "
"Di-Lạc đương thâu thủ phổ duyên."
Hỗn Nguơn Thiên: Theo DLCK, từng Trời Tạo Hóa Thiên là từng thứ 9 cao nhất trong Cửu Trùng Thiên.

Từng Trời thứ 10 là Hư Vô Thiên, do Ðức Nhiên Ðăng Cổ Phật Chưởng quản.
Từng Trời thứ 11 là Hội Nguơn Thiên.
Từng Trời thứ 12 là Hỗn Nguơn Thiên.
Hai từng Trời 11 và 12 đều do Ðức Phật Di-Lạc chưởng quản.

Ðương: Ðảm đương, nhận lãnh gánh vác. Thâu: Nhận vào. Thủ: Gìn giữ. Phổ: Bày ra khắp nơi. Duyên: Có mối dây ràng buộc, ý nói có duyên với Phật, có duyên tu hành.
Ðương thâu thủ phổ duyên: Nhận lãnh việc thâu nhận và gìn giữ những người có duyên tu hành ở khắp nơi.
C.1-2: Ðức Di-Lạc Vương Phật làm Giáo chủ từng Trời Hỗn Nguơn Thiên. Ngài đảm đương việc thâu nhận và gìn giữ những người có duyên tu hành ở khắp nơi.

Câu 3: "Tái sanh sửa đổi chơn truyền."
Tái sanh: Tái là lập lại một lần nữa. Tái sanh là giáng sanh xuống cõi trần một lần nữa. Chơn truyền: Giáo lý chơn thật của một nền tôn giáo do vị Giáo chủ truyền lại, nếu tu hành đúng y theo đó thì nhứt định sẽ được đắc đạo.
C.3: "Ðức Di-Lạc Vương Phật sẽ giáng sanh xuống cõi trần nầy một lần nữa để sửa đổi tất cả giáo lý của các tôn giáo xưa, cho đúng chơn truyền, bởi vì giáo lý của các tôn giáo nầy, qua hơn 2000 năm truyền bá đã bị người đời canh cải làm sai lạc rất nhiều."

Ngũ giáo thất chơn truyền:
Ở Á Ðông có Tam giáo: Phật, Lão, Nho; ở Âu Mỹ Châu có Thiên Chúa giáo với 2 chi phái lớn là Chính Thống giáo và Tin Lành; ở Trung Ðông có Hồi giáo, cả thảy là 5 tôn giáo lớn trên Thế giới mở ra vào thời Nhị Kỳ Phổ Ðộ, đã cứu độ nhơn sanh được hơn 2000 năm nay.
Năm nền tôn giáo lớn nầy theo thời gian, đã bị những người lãnh đạo sửa cải dần dần, mỗi vị sửa một ít, đến nay thì Chơn truyền đã gần như sai lạc hẳn, cho nên người tu thì nhiều mà đắc đạo thì không có mấy người.
Do đó, Ðức Chí Tôn mở ÐÐTKPÐ với tôn chỉ qui nguyên Tam giáo, phục nhứt Ngũ Chi, Ðức Di-Lạc Vương Phật là Ðấng được Ðức Chí Tôn ủy nhiệm thực hiện Cơ Qui Nhứt trọng đại nầy, đem các nền tôn giáo trở về gốc, sửa đổi giáo lý cho đúng với Chơn truyền của buổi ban đầu.

Câu 4: "Khai cơ tận độ Cửu tuyền diệt vong."
Tận độ: Tận là hết, độ là cứu. Tận độ là cứu tất cả nhơn sanh, không chừa một người nào. Cửu tuyền: Chín suối, chỉ cõi Âm phủ, cõi Ðịa ngục, bởi vì theo truyền thuyết dân gian thì ở cõi Âm phủ có 9 dòng suối. Diệt vong: Diệt là làm cho tiêu hết, vong là mất. Diệt vong là làm cho tiêu mất hết.
C.4: "Ðức Di-Lạc Vương Phật mở ra cơ quan tận độ nhơn sanh và tiêu diệt cõi Ðịa ngục."

Câu kinh nầy đúng theo Thánh ý của Ðức Chí Tôn: ÐÐTKPÐ là Ðại Ân Xá kỳ ba, để tận độ chúng sanh trước khi chấm dứt một giai đoạn tiến hóa cũ, bắt đầu một giai đoạn tiến hóa mới của nhơn loại nơi quả Ðịa cầu 68 nầy.

■ Vô Ðịa ngục, vô quỉ quan,
Chí Tôn Ðại Xá nhứt trường qui nguyên. (PMCK)
■ Ðóng Ðịa ngục, mở tầng Thiên,
Khai đường Cực Lạc, dẫn miền Tây phương. (KGO)

Ðây là một nét đặc biệt hết sức mới mẻ của ÐÐTKPÐ mà từ trước tới nay chưa hề có ở bất kỳ một tôn giáo nào.
Người tín đồ Cao Ðài phải hằng tâm ghi nhớ để luôn luôn cầu nguyện Ðức Chí Tôn cứu rỗi trong hồng ân của Ngài.

Câu 5: "Hội Long Hoa tuyển phong Phật vị."
Hội Long Hoa: Long là rồng, hoa là cái bông. Long Hoa là một cái cây to lớn có hình dáng giống như con rồng, trổ hoa rực rỡ. Ðức Di-Lạc Vương Phật sẽ mở Ðại Hội tuyển chọn người hiền đức tại cội cây Long Hoa nầy, nên Ðại Hội ấy được gọi là Ðại Hội Long Hoa do Ðức Di-Lạc làm Giáo chủ.
Ðức Phạm Hộ Pháp thuyết đạo: Nơi Cung Hỗn Nguơn Thiên cốt yếu là nơi chung họp cùng các Ðấng Chơn hồn cao siêu, trí thức thông minh, kể từ bậc Thiên Tiên cho đến Phật vị, đều đến ở nơi đây, đặng tạo dựng đại nghiệp của mình. Cả toàn thể trong CKVT, hoặc tiêu diệt, hoặc biến sanh, cũng do nơi đó cầm Chơn pháp quyết định. Nơi đây là nơi quyết định chương trình Long Hoa Ðại Hội của toàn thể vạn linh trong CKVT."
Tuyển phong: Tuyển lựa người đầy đủ đạo đức để phong thưởng. Phật vị: Ngôi vị Phật.
C.5: "Ðức Di-Lạc Vương Phật mở Ðại Hội Long Hoa tuyển lựa người đầy đủ công đức phong thưởng vào ngôi vị Phật."

Câu 6: "Cõi Tây phang đuổi quỉ trừ ma."
Cõi Tây phang: Chữ Phang do chữ Phương nói trại ra. Cõi Tây phang là cõi Tây Phương Cực Lạc, tức là cõi CLTG.
C.6: "Nơi cõi Tây phương Cực Lạc, Ðức Phật Di-Lạc xua đuổi và trừ khử ma quỉ không cho lộng hành."

Câu 7-8: "Giáng linh Hộ Pháp Di-Ðà,"
"Chuyển cây Ma Xử đuổi tà trục tinh."
Giáng linh: Chơn linh giáng xuống trần. Giáng là đi xuống. Thường thì các Ðấng Thiêng liêng chiết chơn linh giáng sanh xuống cõi trần, như Ðại Tiên Lý thiết Quả chiết chơn linh giáng sanh xuống trần là Ðức Quyền Giáo Tông Lê văn Trung. Di-Ðà: Phiên âm từ tiếng Phạn, nghĩa là Phật.

Hộ Pháp Di-Ðà: Ðức Phật Hộ Pháp.
Cây Ma Xử: Nói đầy đủ là Cây Giáng Ma Xử. Giáng là hàng phục, Ma là loài Ma quỉ, Xử là cái chày. Giáng Ma Xử là cái chày để làm quỉ ma hàng phục. Giáng Ma Xử là bửu pháp của Ðức Hộ Pháp, trị tà ma, không cho chúng lộng hành.

Trong truyện Phong Thần, vị Thánh Vi Hộ, với bửu pháp là Giáng Ma Xử, vâng lịnh Thầy là Ðạo Hạnh Thiên Tôn, xuống núi giúp Khương Thượng Tử Nha đánh bại các Tiên Triệt giáo. Ðuổi tà trục tinh: Tà tinh là tà ma tinh quái, chỉ chung loài ma quỉ yêu quái. Trục là xua đuổi. Ðuổi tà trục tinh là xua đuổi bọn tà ma yêu quái.
C.7-8: "Ðức Phật Di-Lạc chiết chơn linh giáng trần làm một vị Phật Hộ Pháp, dùng bửu pháp Giáng Ma Xử chuyển động để xua đuổi các loài tà ma yêu quái."

Câu 9-10: "Thâu các đạo hữu hình làm một,"
"Trường thi Tiên Phật duợt kiếp khiên."
Các đạo hữu hình: Các tôn giáo hiện có nơi cõi trần.
Các đạo hữu hình gồm 5 nền tôn giáo lớn trên thế giới, như đã kể trong phần Giải thích Câu 3. Các nền tôn giáo nầy do nhiều Ðấng Giáo chủ mở ra ở các nước khác nhau, với phong tục tạp quán khác nhau, nên xảy ra nhiều sự va chạm và chia rẽ, cho đạo mình là chánh, đạo khác là tà, gây ra nhiều cuộc chiến tranh rất thảm khốc dưới danh nghĩa Thánh chiến.

Ngày nay, Ðức Di-Lạc nhận lãnh mạng lịnh của Ðức Chí Tôn, nên có đủ quyền pháp tóm thâu các nền tôn giáo nói trên vào một mối duy nhất, do chính Ngài làm Giáo chủ, tạo thành một nền Ðại Ðạo, để thống nhứt tín ngưỡng của nhơn sanh, lập ra thời kỳ Thánh đức, trong một xã hội Ðại đồng.

Trường thi Tiên Phật: Ðức Chí Tôn lập ra một Trường thi Công quả cho nhơn sanh đắc đạo thành những phẩm vị Tiên hay Phật, mà Ðức Di-Lạc Vương Phật làm Chánh Chủ Khảo tuyển lựa và phong thưởng vào Tiên vị hay Phật vị. (Hội Long Hoa tuyển phong Phật vị).

Duợt kiếp khiên: Duợt tức là duyệt, nghĩa là xem xét để đánh giá trị, thường nói Khảo duyệt hay Khảo duợt, là thử thách để đánh giá trị cao thấp. Kiếp là một đời sống. Khiên là lỗi lầm. Duợt kiếp khiên là xem xét những tội lỗi đã gây ra trong kiếp sống nơi cõi trần để chấm điểm cao thấp.
C.9-10: "Ðức Di-Lạc Vương Phật thâu gom các nền tôn giáo lớn hiện nay vào một mối duy nhất, lập thành một nền Ðại Ðạo. Ðức Chí Tôn lập ra một Trường thi Công quả tuyển phong Tiên vị và Phật vị, giao cho Ðức Di-Lạc làm Chánh chủ khảo, duyệt xét tội tình của nhơn sanh để chấm thi đậu rớt."

Câu 11-12: "Tạo đời cải dữ ra hiền, "
"Bảo sanh nắm giữ diệu huyền Chí Tôn."
Cải dữ ra hiền: Giáo hóa để sửa đổi người hung dữ thành người hiền lành. Bảo sanh: Gìn giữ sự sống theo đức háo sanh của Thượng Ðế.
C.11-12: "Tạo lập đời Thượng nguơn Thánh đức bằng cách giáo hóa người dữ thành người hiền, gìn giữ sự sống cho chúng sanh, nắm giữ quyền pháp huyền diệu của Ðức Chí Tôn."
1 ]  2 ]  3 ]  4 ]  5 ]  6 ]  7 ]  8 ]  9 ]  10 ]  11 ]  12 ]  13 ]  14 ]  15 ]  16 ]  17 ]  18 ]  19 ]  20 ] [ 21 ]  22 ]  23 ]  24 ]  25 ]  26 ]  27 ]  28 ]  29 ]  30 ]  31 ]  32 ]  33 ]  34 ]  35 ]  36 ]  37 ]  38 ]  39 ]  40 ]  41 ]  42 ]  43 ]  44 ]  45 ]  46 ]  47 ]  48 ]  49 ]  50 ]  51 ]  52 ]  53 ]  54 ]  55 ]  56 ]  57 ]  58 ]  59 ]  60 ]  61 ]  62 ]  63 ]

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét