Giải Nghĩa Kinh Thiên Đạo Thế Đạo - 36 / 63 (HT.Nguyễn Văn Hồng)


Kinh Ðệ Cửu Cửu (Giọng nam xuân)
1. "Vùng thoại khí Bát hồn vận chuyển.
2. Tạo Hóa Thiên sanh biến vô cùng.
3. Hội Bàn Ðào Diêu Trì Cung,
4. Phục sinh đào hạnh, rượu hồng thưởng ban.
5. Cung Bắc Ðẩu xem căn quả số.
6. Học triều nghi vào ở Linh Tiêu.
7. Ngọc Hư Cung sắc lệnh kêu,
8. Thưởng phong, trừng trị, phân điều đọa thăng.
9. Nơi Kim Bồn vàn vàn nguơn chất,
10. Tạo hình hài các bậc nguyên nhân.
11. Cung Trí Giác trụ Tinh Thần,
12. Huờn Hư mầu nhiệm thoát trần đăng Tiên."
(Niệm Câu Chú của Thầy 3 lần)
GIẢI NGHĨA
Kinh Ðệ Cửu Cửu gồm 12 câu thơ, trong đó, 8 câu thơ đầu do Cửu Nương DTC giáng cơ ban cho,
và 4 câu thơ cuối do Ðức Phật Mẫu giáng cơ viết tiếp ban cho trọn bài.
Cửu Nương có nhiệm vụ dẫn dắt các Chơn hồn đến từng Trời Tạo Hóa Thiên để bái kiến Ðức Phật Mẫu. Tạo Hóa Thiên là từng Trời thứ 9, cao nhất trong Cửu Trùng Thiên.

Câu 1-2: "Vùng thoại khí Bát hồn vận chuyển."
"Tạo Hóa Thiên sanh biến vô cùng."
Thoại khí: Thoại, cũng đọc là Thụy, nghĩa là tốt lành, khí là chất khí. Thoại khí là khí lành, nó chính là Hỗn nguơn khí, là khí Sanh quang nuôi sống cả vạn linh trong CKVT.

Ðức Phạm Hộ Pháp thuyết đạo Con đường TLHS, có đoạn mô tả Bạch Ngọc Kinh ở trong vùng Thoại khí như sau:
"Thoạt tiên, chúng ta ngó thấy phía xa xăm có ánh sáng chói lọi, cũng như mặt trời mọc buổi sáng, đàng xa ngó thấy một ánh sáng chiếu diệu, cũng như một vùng Thoại khí. Khi Pháp xa của Bần đạo đến thấy hào quang chiếu diệu chói vào Pháp xa sáng rỡ, dường thể ánh sáng đèn pha ở thế gian nầy vậy. Lại gần tới còn thấy một vật khác thường quái lạ, nhưng nó là một Tòa Thiên các đẹp đẽ lắm, màu sắc thay đổi sáng rỡ, mà cả Thoại khí bao quanh làm như thể vận chuyển hình trạng của nó vậy.

Nhà cửa ở thế gian là con vật chết, Bạch Ngọc Kinh là con vật sống, biến hóa thay đổi như thể vận hành, xung quanh Thoại khí bao trùm, từ Nam chí Bắc, từ Ðông qua Tây, khối lửa ánh sáng ấy, chúng ta ngó thấy như mặt trời vậy, mà ánh sáng mặt trời thì nóng nực, bực bội, còn ánh sáng nơi Bạch Ngọc Kinh thì lại dịu dàng và huyền bí lắm, sung sướng khoái lạc lắm! Tại sao đài các là con tử vật, mà nó sống? Sống là do nơi đâu? Nếu biết được thì không lạ gì.
Nơi Bạch Ngọc Kinh nó là Hỗn Nguơn khí biến hình nó ra. Hỗn Nguơn khí là khí Sanh quang của chúng ta đã thở, đã hô hấp, khí để nuôi cả sanh vật sống, ta cũng do nơi nó xuất hiện, mà biểu làm sao không sống?"

Bát hồn: 8 phẩm chơn hồn: Kim thạch hồn, Thảo mộc hồn, Thú cầm hồn, Nhơn hồn, Thần hồn, Tiên hồn, Phật hồn.
Tạo Hóa Thiên: Từng Trời thứ 9 ở vị trí cao nhất trong Cửu Trùng Thiên, dưới quyền chưởng quản của Ðức Phật Mẫu. Ðức Chí Tôn giao cho Ðức Phật Mẫu nhiệm vụ tạo hóa, nên từng Trời nầy được gọi là Tạo Hóa Thiên. Ðức Phật Mẫu thâu lằn Sanh quang của ngôi Thái Cực, rồi lấy khí Dương quang phối hợp với Âm quang để tạo hóa Chơn thần cho Vạn linh, rồi vận chuyển Vạn linh cho đầu kiếp xuống trần thành chúng sanh. Sanh biến: Biến hóa sanh ra.
C.1-2: "Vùng thoại khí Bát hồn vận chuyển, Tạo Hóa Thiên sanh biến vô cùng, nghĩa là: Ðức Phật Mẫu ở từng Trời Tạo Hóa Thiên, vận chuyển Bát hồn trong vùng thoại khí (Khí Sanh quang), biến hóa vô cùng để tạo thành chúng sanh."

Câu 3-4: "Hội Bàn Ðào Diêu Trì Cung,"
"Phục sinh đào hạnh, rượu hồng thưởng ban."
Bàn Ðào: Bàn là quanh co, Ðào là cây đào. Cây Bàn Ðào tức là cây Ðào Tiên vì có thân mọc quanh co. Cho nên trái Bàn Ðào tức là trái Ðào Tiên. Hội Bàn Ðào: Hội liên hoan gồm chư Thần Thánh Tiên Phật do Ðức Phật Mẫu tổ chức tại Diêu Trì Cung, trong dịp đúng kỳ Vườn Ðào Tiên có trái chín. (Xem: C.1 KÐ2C)
Phục sinh: Phục là trở lại, sinh là sống. Phục sinh là sống trở lại, phục hồi sự sống.
Ðào hạnh: Trái đào và trái hạnh.
Rượu hồng: Ý nói Rượu Tiên.
C.3-4: "Ðức Phật Mẫu mở Hội Bàn Ðào nơi Diêu Trì Cung, đãi tiệc là những trái đào và trái hạnh, vì đó là 2 thứ trái quí nơi cõi Tiên có đặc tính phục hồi sự sống, và Ðức Phật Mẫu ban thưởng cho uống rượu Tiên."

Câu 5: "Cung Bắc Ðẩu xem căn quả số."
Căn quả số: Căn là gốc rễ, chỉ các việc làm thiện ác trong kiếp sống trước; Quả là cái kết quả có được theo Luật Nhân quả; số là cái số phận của mỗi người. Căn quả số là cái số phận của mỗi người do nơi căn quả, tức là do nơi kết quả của những việc làm thiện ác trong kiếp sống trước tạo nên.
C.5: "Chơn hồn vào Cung Bắc Ðẩu xem căn quả cho biết số phận của mình."

Câu 6:     "Học triều nghi vào ở Linh Tiêu."
Triều nghi: Nghi lễ và phép tắc nơi triều đình.
Linh Tiêu: Linh Tiêu Ðiện trong Ngọc Hư Cung, là nơi họp triều đình của Ðức Chí Tôn. (Xem: C.2 TTCÐDTKM)
C.6: "Chơn hồn phải học tập các phép tắc và lễ nghi nơi triều đình để vào Linh Tiêu Ðiện chầu lạy Ðức Chí Tôn."

Câu 7-8: "Ngọc Hư Cung sắc lệnh kêu,"
"Thưởng phong, trừng trị, phân điều đọa thăng."
Sắc lệnh: Lịnh của Ðức Chí Tôn.
Thưởng phong: Phong thưởng, có công thì được phong thưởng cho những phẩm vị Thần Thánh Tiên Phật.
Trừng trị: Có tội thì bị trừng phạt cho sợ mà không dám tái phạm. Phân điều đọa thăng: Chia ra 2 điều: Ðọa đày xuống cõi thấp kém khổ sở, hoặc là siêu thăng.
C.7-8: "Nơi Ngọc Hư Cung, Sắc lệnh của Ðức Chí Tôn gọi Chơn hồn vào để các Ðấng xem xét công và tội, phân ra: có công thì được phong thưởng và siêu thăng, có tội thì bị trừng phạt và bị đọa đày."

Câu 9-10: "Nơi Kim Bồn vàn vàn nguơn chất,"
"Tạo hình hài các bậc nguyên nhân."
Kim Bồn: Kim Bàn nơi DTC. Kim Bàn hay Kim Bồn là cái chậu bằng vàng nơi DTC mà Ðức Phật Mẫu dùng để chứa các nguyên chất. (Xem: C.2 PMCK)
Vàn vàn: do chữ Vạn vạn nói trại ra, vạn là muôn = 10.000. Vàn vàn là Vạn vạn, là muôn muôn, chỉ một số lượng nhiều lắm, không thể đếm hết.

Nguơn chất: Nguyên chất, chất khí nguyên thủy, đầu tiên hơn hết, đó là khí Dương quang và khí Âm quang. Ðức Chí Tôn chưởng quản khí Dương quang, và Ðức Phật Mẫu chưởng quản khí Âm quang. Ðức Phật Mẫu chứa 2 khí nguyên chất nầy trong Kim Bàn, rồi thâu lằn Sanh quang của ngôi Thái Cực của Ðức Chí Tôn, cho 2 khí Âm Dương ấy phối hợp nhau để tạo ra Chơn thần cho vạn linh trong CKVT.

Hình hài: Ở đây chỉ Xác thân TL, tức Chơn thần.
Nguyên nhân: Những người mà Chơn linh được sanh ra từ lúc Khai Thiên. (Xem: C.7 PG). Ðầu tiên, Nguyên nhân chỉ là một Ðiểm Linh quang của Ðức Chí Tôn. Ðức Phật Mẫu dùng nguyên chất trong Kim Bàn tạo cho Ðiểm Linh quang ấy một Chơn thần. Thế là Ðức Phật Mẫu tạo thành một nguyên nhân nơi cõi thiêng liêng. Sau đó, Ðức Phật Mẫu cho nguyên nhân ấy đầu kiếp xuống cõi trần thì có được hình hài nơi cõi trần và thành một nguyên nhân nơi cõi trần.
C.9-10: "Nơi Kim Bồn vàn vàn nguơn chất, Tạo hình hài các bậc nguyên nhân, nghĩa là: Nơi Kim Bàn trong DTC, Ðức Phật Mẫu chứa rất nhiều nguyên chất. Phật Mẫu dùng các nguyên chất nầy để tạo Chơn thần cho các nguyên nhân."

Câu 11-12: "Cung Trí Giác trụ Tinh Thần,"
"Huờn Hư mầu nhiệm thoát trần đăng Tiên."
Trụ: Giữ vững. Tinh Thần: Hai Bửu trong Tam Bửu của con người nơi cõi trần . Tam Bửu gồm: Tinh, Khí, Thần. Trong Phép Luyện Ðạo, luyện cho Tam Bửu Tinh Khí Thần hiệp nhứt là: Luyện Tinh hóa Khí, Luyện Khí hiệp Thần, Luyện Thần huờn Hư thì đạt được Chơn thần huyền diệu, đắc đạo tại thế. Trước khi Luyện Tinh hóa Khí thì phải: Trụ Tinh, Dưỡng Khí, Tồn Thần.

Huờn Hư: Huờn là hoàn trở lại, Hư là Hư Vô, cõi giới rất huyền vi mầu nhiệm. Huờn Hư là trở nên mầu nhiệm.
Thoát trần: Thoát ra khỏi cõi trần, tức là được siêu thăng, thoát khỏi luân hồi.
Ðăng Tiên: Ðăng là lên. Ðăng Tiên là lên đường đi lên cõi Tiên, tức là đắc đạo thành Tiên, lên ở cõi Tiên.
C.11-12: "Hai Câu kinh nầy, Ðức Phật Mẫu nói về Phép Luyện Ðạo, luyện cho Tam Bửu Tinh Khí Thần hiệp nhứt, đắc đạo thành Tiên tại thế: Nơi Cung Trí Giác, luyện cho Tam Bửu Tinh Khí Thần hiệp nhứt thì tạo được Chơn thần huyền diệu, đắc đạo thành Tiên, thoát khỏi cõi trần, lên đường về Tiên cảnh."
1 ]  2 ]  3 ]  4 ]  5 ]  6 ]  7 ]  8 ]  9 ]  10 ]  11 ]  12 ]  13 ]  14 ]  15 ]  16 ]  17 ]  18 ]  19 ]  20 ] [ 21 ]  22 ]  23 ]  24 ]  25 ]  26 ]  27 ]  28 ]  29 ]  30 ]  31 ]  32 ]  33 ]  34 ]  35 ]  36 ]  37 ]  38 ]  39 ]  40 ]  41 ]  42 ]  43 ]  44 ]  45 ]  46 ]  47 ]  48 ]  49 ]  50 ]  51 ]  52 ]  53 ]  54 ]  55 ]  56 ]  57 ]  58 ]  59 ]  60 ]  61 ]  62 ]  63 ]

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét