Giải Nghĩa Kinh Thiên Đạo Thế Đạo - 44 / 63 (HT.Nguyễn Văn Hồng)


Kinh Thuyết Pháp (Giọng Nam xuân)
1. "Trường Phổ tế khó khăn lắm nỗi.
2. Cậy Thánh tâm sửa đổi tánh phàm.
3. Dìu đời với sức không kham,
4. Mượn quyền thuyết pháp đặng làm cơ quan.
5. Ðại Từ Phụ hồng ân rưới khắp,

6. Trợ giúp con đặng lập nên công.
7. Muốn cho thiên hạ đại đồng,
8. Lấy câu cứu khổ dụ lòng thương sanh.
9. Nguyện lời nói biến hình bác ái,
10. Nguyện chí thành sửa máy tà gian.
11. Nguyện cho Khí tịnh, Thần an.
12. Nguyện xin thính giả hiểu đàng chơn tu.
13. Nguyện các Ðấng đương chầu Bạch Ngọc,
14. Giúp thông minh lảu thuộc văn từ.
15. Cảm quang diêu động tâm tu.
16. Khai cơ giải thoát mở tù Phong đô."
(Niệm 1 lần Câu Chú của Thầy)

GIẢI NGHĨA
Thế Ðạo: Ðạo ở đời, tức là đường lối dạy con người bổn phận làm một người ở đời thế nào cho hợp với lẽ phải và đạo lý. Ðó chính là Nhơn đạo.

Thế đạo (Nhơn đạo) ví như nền móng, Thiên đạo ví như nhà lầu. Không đào móng đúc nền cho vững chắc thì cất nhà lầu lên ắt sụp đổ. Cho nên, phải tu xong Nhơn đạo thì mới tiến lên Tiên đạo, kế đó lên Phật đạo, rồi cuối cùng tiến lên Thiên đạo. Sách Nho nói rằng: Dục tu Tiên đạo, tiên tu Nhơn đạo, Nhơn đạo bất tu, Tiên đạo viễn hỹ. Nghĩa là: Muốn tu Tiên đạo, trước tu Nhơn đạo, Nhơn đạo không tu, Tiên đạo xa vời vậy.

Kinh Thế đạo là những bài kinh dạy đạo làm người ở đời.
Kinh Thế đạo gồm 19 Bài Kinh, kể ra:
10 Bài Kinh đầu, do Ðức Phạm Hộ Pháp đặt ra, có cầu Ðức Nguyệt Tâm Chơn Nhơn chỉnh văn lại.
Kế đó là Bài Kinh Hôn Phối do Ðức Nguyệt Tâm Chơn Nhơn giáng cơ ban cho.
Sau cùng là 8 Bài Kinh cúng tế trong Tang lễ, do Tiên Nương Ðoàn thị Ðiểm giáng cơ ban cho.
Kinh Thuyết Pháp: Thuyết là giảng giải, Pháp là giáo lý của một tôn giáo. Thuyết Pháp là thuyết giảng giáo lý của một tôn giáo để cho tín đồ hiểu rõ.
Thuyết pháp đồng nghĩa với Thuyết đạo. Trong Ðạo Cao Ðài, từ ngữ Thuyết đạo được thông dụng hơn.
Kinh Thuyết Pháp là bài Kinh để vị Chức sắc thuyết pháp và đồng nhi tụng trước khi bắt đầu buổi thuyết pháp.

Câu 1: "Trường Phổ tế khó khăn lắm nỗi."
Trường: Chỗ tụ họp nhiều người. Phổ tế: Phổ là bày ra khắp nơi, Tế là cứu giúp. Trường Phổ tế là "Cơ quan để cứu vớt hoặc độ rỗi những người lạc bước thối tâm, cùng an ủi khuyên lơn những kẻ đã bị luật pháp buộc ràng mà phế vong phận sự, hay là độ rỗi những kẻ hữu tâm tầm đạo."
C.1: "Cơ quan Phổ tế nhơn sanh thường gặp phải nhiều nỗi khó khăn vất vả."

Câu 2: "Cậy Thánh tâm sửa đổi tánh phàm."
Tâm, Tánh: Tâm là cái mà Trời phú cho mỗi người, nó vốn tốt đẹp và trọn lành, nên gọi là Lương Tâm. Tánh là cái thể hiện ra bên ngoài của Tâm, nó chính là hình thể của Tâm, cho nên Tâm và Tánh không khác nhau về bản chất.
Thánh tâm: Cái Tâm có tính chất Thánh, tức là cái Tâm thiện lương chơn chánh. Thánh Tâm thì sanh ra Thánh Tánh. Ðối ngược với Thánh Tâm là Phàm tâm, Phàm tâm thì sanh ra Phàm tánh hay Tánh phàm. Cậy: Nhờ vào, dựa vào.
Tánh phàm: Cái Tánh hẹp hòi ích kỷ, xu hướng theo vật dục, làm cho con người trở nên thấp hèn.
C.2: "Khơi dậy cái Thánh Tâm trong mỗi con người để nhờ nó mà sửa đổi cái Tánh phàm."

Câu 3-4: "Dìu đời với sức không kham,"
Mượn quyền thuyết pháp đặng làm cơ quan.
Sức không kham: Không đủ sức làm nổi.
Cơ quan: Một tổ chức hoạt động đều hòa như bộ máy.
C.3-4: "Dẫn dắt người đời, nhắm sức mình không làm nổi, nên phải mượn quyền thuyết giảng giáo lý để làm một cơ quan dìu dẫn người đời".

Câu 5-6: "Ðại Từ Phụ hồng ân rưới khắp,"
Trợ giúp con đặng lập nên công.
Ðại Từ Phụ: Ðấng Cha lành lớn hơn hết, luôn luôn hết lòng thương yêu các con, mà con cái của Ngài là toàn thể chúng sanh trong CKVT. Ðó là Ðấng Chí Tôn Thượng Ðế.
Lập nên công: Lập nên công nghiệp về thuyết pháp.
C.5-6: "Ðại Từ Phụ ban bố ơn huệ khắp chúng sanh, xin giúp con lập nên công nghiệp nầy" (giúp con thuyết pháp thành công).

Câu 7-8: "Muốn cho thiên hạ đại đồng,"
Lấy câu cứu khổ dụ lòng thương sanh.
Thiên hạ: Dưới Trời, chỉ nhơn loại. Ở trên là Trời, nên gọi là Thiên thượng, dưới Trời là người nên gọi là Thiên hạ.
Ðại đồng: Ðại đồng là cùng chung một qui mô lớn lao. Ðó là cuộc sống lý tưởng của con người, không phân biệt quốc gia, chủng tộc, giai cấp, có cùng chung một tín ngưỡng, cùng nhau làm việc, cùng nhau vui hưởng kết quả làm được.
Dụ: Dỗ dành. Thương sanh: Dân chúng, nhơn sanh.
C.7-8: "Muốn cho nhơn loại đại đồng thì phải lấy đề tài Cứu Khổ Nhơn Sanh ra thuyết giảng để khuyến dụ lòng lành của nhơn sanh."

Câu 9-10: "Nguyện lời nói biến hình bác ái,
Nguyện chí thành sửa máy tà gian."
Nguyện: Cầu nguyện, mong muốn cầu xin.
Biến hình: Biến đổi thành hình tượng cụ thể.
Ðức Chí Tôn giảng về Bác ái và Chí thành như sau:
"Các con phải biết, Ðạo là tại lòng Bác ái và Chí thành. Bác ái là hay thương xót sanh linh hơn thân mình, cho nên kẻ có lòng Bác ái coi mình nhẹ hơn mảy lông, mà coi thiên hạ trọng bằng Trời Ðất. Còn Chí thành là mỗi việc lấy lòng thành thật mà đối đãi trong đời và trong Ðạo. Dù kẻ phú quí đến bậc nào đi nữa mà không có lòng Bác ái và Chí thành thì không làm chi nên việc." (TNHT. II. 45)
Tà: Cong quẹo. Gian: Dối trá. Máy tà gian: Cơ quan hay tổ chức dối trá lập ra có mục đích lừa gạt người đời.
C.9-10: "Xin cầu nguyện cho lời nói khêu gợi được lòng bác ái trong mỗi người thể hiện ra một cách cụ thể. Nguyện đem hết lòng thành thật sửa đổi những cơ quan tà mị gian trá."

Câu 11:   "Nguyện cho Khí tịnh, Thần an."
Khí tịnh, Thần an: Tịnh là trong sạch. An là yên ổn. Khí và Thần: Hai bửu trong Tam bửu của con người. Tam bửu là: Tinh, Khí, Thần. Tinh là thể xác, Khí là chơn thần, Thần là linh hồn. Khí tịnh là Chơn thần trong sạch. Thần an là Linh hồn được yên ổn, không vọng động.
C.11: "Xin cầu nguyện cho Chơn thần được trong sạch và Linh hồn được an ổn."

Câu 12:   "Nguyện xin thính giả hiểu đàng chơn tu."
Thính giả: Người nghe. Thính là nghe, giả là người.
Chơn tu: Tu hành chơn thật, cố đạt được sự giải thoát khỏi luân hồi, không cầu phẩm tước, không cầu danh lợi.
C.12: "Nguyện xin các thính giả hiểu rõ con đường Tu Chơn."

Câu 13-14: "Nguyện các Ðấng đương chầu Bạch Ngọc,"
Giúp thông minh lảu thuộc văn từ.
Ðương chầu Bạch Ngọc: Ðang chầu Ðức Chí Tôn nơi Bạch Ngọc Kinh. Lảu thuộc: Học thuộc bài làu làu, đọc lên không vấp. Văn từ: Lời văn, chỉ về văn chương chữ nghĩa trong kinh sách.
C.13-14: "Cầu nguyện với các Ðấng Thiêng liêng đang chầu Ðức Chí Tôn nơi Bạch Ngọc Kinh, giúp cho con được sáng suốt để học thông thuộc văn từ trong kinh sách."

Câu 15:   "Cảm quang diêu động tâm tu."
Cảm: Mối rung động trong lòng. Quang: Ánh sáng. Cảm quang là sự rung cảm trong lòng làm phát sinh một lằn ánh sáng, giống như một lằn sóng điện, gọi là lằn điển quang.
Diêu động: Dao động, lúc lắc làm cho lay động.
Diêu động tâm tu: Lúc lắc làm lay động cái tâm tu hành, tức là kêu gọi cái Tâm tu hành thức tỉnh.
C.15: (Tiếp theo câu 14) Giúp cho con có mối rung cảm trong lòng, tạo ra một lằn điển quang để làm thức tỉnh cái Tâm tu hành (của các thính giả).

Câu 16: "Khai cơ giải thoát mở tù Phong đô."
Khai cơ giải thoát: Mở ra một cơ quan giải thoát cho chúng sanh thoát khỏi luân hồi. Cơ quan giải thoát hiện nay chính là ÐÐTKPÐ tức Ðạo Cao Ðài, bởi vì Ðức Chí Tôn đã xác định: "TA nói cho chúng sanh biết rằng: Gặp TKPÐ nầy mà không tu thì không còn trông mong siêu rỗi." (TNHT. I. 20)
Mở tù Phong đô: Mở cửa các nhà tù nơi cõi Phong Ðô Ðịa phủ để phóng thích các tội hồn, theo lịnh Ðại Ân Xá của Ðức Chí Tôn khi mở ÐÐTKPÐ.

C.16: "Mở ra Ðạo Cao Ðài là cơ quan giải thoát chúng sanh khỏi luân hồi, và mở cửa Ðịa ngục nơi cõi Phong đô để phóng thích tất cả tội hồn theo lịnh Ðại Ân Xá của Chí Tôn."
Ðiều nầy rất rõ, vì Ðức Chí Tôn mở Ðạo Cao Ðài cũng là mở Ðại Ân Xá Kỳ Ba, để độ tận chúng sanh. Ðức Chí Tôn đã ra lịnh đóng cửa Ðịa ngục, phóng thích tất cả tội hồn, cho đi đầu thai vừa để trả quả, vừa để lập công, đồng thời mở rộng cửa Trời đón rước người tu đắc đạo.
Ðạo Cao Ðài là cơ quan giải thoát duy nhứt trong thời kỳ Mạt kiếp của Hạ Nguơn nầy, để chuẩn bị bước vào thời kỳ Thượng Nguơn Thánh đức, giúp tất cả Chơn linh, dầu Nguyên nhơn , Hóa nhơn hay Quỉ nhơn, nếu biết tu hành, lập công bồi đức thì thành đạo, thoát khỏi Luân hồi, trở về cõi TLHS.
1 ]  2 ]  3 ]  4 ]  5 ]  6 ]  7 ]  8 ]  9 ]  10 ]  11 ]  12 ]  13 ]  14 ]  15 ]  16 ]  17 ]  18 ]  19 ]  20 ] [ 21 ]  22 ]  23 ]  24 ]  25 ]  26 ]  27 ]  28 ]  29 ]  30 ]  31 ]  32 ]  33 ]  34 ]  35 ]  36 ]  37 ]  38 ]  39 ]  40 ]  41 ]  42 ]  43 ]  44 ]  45 ]  46 ]  47 ]  48 ]  49 ]  50 ]  51 ]  52 ]  53 ]  54 ]  55 ]  56 ]  57 ]  58 ]  59 ]  60 ]  61 ]  62 ]  63 ]

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét