Giải Nghĩa Kinh Thiên Đạo Thế Đạo - 55 / 63 (HT.Nguyễn Văn Hồng)


KINH TỤNG KHI VUA THĂNG HÀ (Giọng Nam ai)
1. "Ơn tấc đất ngọn rau nên nặng,
2. Ðạo quân vương chữ dặn nơi lòng.
3. Thượng Hoàng sánh đức Chí Công,
4. Mặc phò lê thứ khỏi vòng lao lung.
5. Giúp xã tắc tôi trung ra mặt,
6. Dẩy xa thơ trổi nhặt văn minh.

7. Giúp dân hưởng chữ thái bình,
8. Văn ban võ bá triều đình đặc an.
9. Nay gần đặng Ngọc Hoàng Thượng Ðế,
10. Tìm Chí Linh trị thế cứu đời.
11. Thiên tào Thánh ngự an ngôi,
12. Cầu cho dân chúng khỏi hồi can qua.
13. Bốn ngàn năm quốc gia đã lập,
14. Cõi Nam Châu bồi đắp giang san.
15. Trụ tâm nâng đỡ quốc hồn,
16. Giữ bền đảnh nghiệp vĩnh tồn hậu lai.
17. Kìa Chí Tôn Cao Ðài đương ngự,
18. Rưới hồng ân chặt giữ biên cương.
19. Sống thì định bá đồ vương,
20. Qui Thiên dựng lại miếu đường thuở xưa."

GIẢI NGHĨA
Kinh Tụng Khi Vua Thăng Hà và 7 bài Kinh tế lễ tiếp theo do Bà Ðoàn thị Ðiểm giáng cơ ban cho.
Bà, nguyên là một Nữ Tiên Diêu Trì Cung, đầu kiếp xuống trần, tên là Ðoàn thị Ðiểm (1705- 1748). Bà là một Nữ sĩ nổi tiếng nhứt trong số Nữ sĩ Việt Nam với thi phẩm CHINH PHỤ NGÂM DIỄN NÔM.
Trước khi Tiên Nương Ðoàn thị Ðiểm giáng cơ ban cho 8 bài Kinh Thế Ðạo để tế lễ nầy, Bà đã giáng cơ ban cho một tác phẩm vô cùng giá trị là NỮ TRUNG TÙNG PHẬN có mục đích giáo hóa các Tín đồ Nữ phái của Ðạo Cao Ðài, theo đúng chủ trương Nho Tông Chuyển Thế mà Ðức Chí Tôn đã đề ra.
Thăng hà: Thăng là bay lên, hà là xa xôi. Thăng hà là vua chết. Thăng hà đồng nghĩa với Băng hà, nói tắt là Băng.
Theo sách Xuân Thu của Ðức Khổng Tử, vua một nước lớn chết thì gọi là Thăng hà hay Băng hà; vua một nước chư Hầu hay một nước nhỏ chết thì gọi là Hoăng; đối với một ông vua cướp ngôi tiếm vị khi chết gọi là Tồ.
Theo quan niệm của thời Quân chủ, vua là chủ của đất nước, và cũng là chủ của dân chúng. Vua thay Trời để cai trị muôn dân, nên vua xưng là Thiên tử (Con Trời). Ðất đai, sông biển, núi rừng, đến cây cối, rau cải, cũng đều là của vua, và người dân cư ngụ trong nước đều phải biết ơn vua. Ðối với thời dân chủ hiện nay thì quan niệm nầy không còn thích hợp nữa.

Câu 1-2: "Ơn tấc đất ngọn rau nên nặng,"
"Ðạo quân vương chữ dặn nơi lòng."
Ðạo Quân vương: Phép tắc qui định bổn phận của dân đối với vua và bổn phận của vua đối với dân.
C.1-2: "Tấc đất, ngọn rau đều là của vua, mà mình dùng thì phải mang nặng ơn vua, mình phải có bổn phận đối với vua, phải dặn lòng luôn luôn nhớ như vậy."

Câu 3-4: "Thượng Hoàng sánh đức Chí Công,"
"Mặc phò lê thứ khỏi vòng lao lung."
Thượng Hoàng: Hoàng Thượng, tiếng gọi vua khi nói chuyện với vua. Chí Công: Rất công bình, chỉ Ðức Chí Tôn.
Mặc: Yên lặng. Phò: Giúp đỡ. Lê thứ: Dân chúng.
Lao lung: Lao là cái chuồng, lung là cái lồng. Lao lung là chỉ sự giam cầm tù tội, mất tự do.
C.3-4: "Ơn đức của vua sánh bằng Trời, yên lặng mà giúp đỡ dân chúng khỏi vòng tù tội."

Câu 5-6: "Giúp xã tắc tôi trung ra mặt,"
"Dẩy xa thơ trổi nhặt văn minh."
Xã tắc: Xã là nơi để thờ Thần Ðất, Tắc là nơi để thờ Thần Nông. Ngày xưa, vua dựng nước lấy dân làm trọng, dân cần đất, vua ban cấp đất đai cho dân cày cấy, và lập đền thờ Thần Ðất và Thần Nông để tế lễ cầu nguyện Thần Ðất và Thần Nông phò hộ dân chúng được mùa. Do đó, từ ngữ Xã tắc dùng để chỉ quốc gia, và thường nói: Sơn hà Xã tắc.

Dẩy: Khởi đi lên. Xa thơ: Xe và sách. Sách Trung Dung viết: "Kim thiên hạ, xa đồng quĩ, thơ đồng văn." Nghĩa là: Ngày nay, trong dân chúng, xe thì cùng một cở trục bánh, sách thì cùng một thứ chữ viết. Xa thơ là chỉ nền văn hóa của một nước. Trổi nhặt: Khởi lên đi nhanh tới. Văn minh: Văn là vẻ đẹp, minh là vẻ sáng. Văn minh là trình độ phát triển nền văn hóa của một dân tộc về vật chất và tinh thần.
C.5-6: "Các bề tôi trung thành trổ mặt ra giúp nước, đưa nền văn hóa dân tộc cất lên nhanh chóng đến chỗ văn minh."

Câu 7-8: "Giúp dân hưởng chữ thái bình,"
"Văn ban võ bá triều đình đặc an."
Văn ban: Các quan lo về việc văn. Võ bá: Bá là trăm. Võ bá là trăm quan võ, tức là các quan lo về việc võ bị. Triều đình: Nơi các quan vào chầu vua để bàn việc nước, chỉ cơ quan tối cao ở trung ương, điều hành việc nước, do vua đứng đầu. Ðặc an: Ðặc biệt an ổn.
C.7-8: "Giúp cho dân chúng hưởng cảnh thái bình. Các quan văn võ giúp cho triều đình được đặc biệt an ổn."

KHẢO DỊ:
- Kinh Lễ năm 1952: Triều đình đắc ân.
- Kinh TÐ-TÐ 1936, 1968, 1974, 1975: Triều đình đặc an.
Ðắc ân: Hưởng được ơn huệ.

Câu 9-10: "Nay gần đặng Ngọc Hoàng Thượng Ðế,"
"Tìm Chí Linh trị thế cứu đời."
Chí Linh: Rất thiêng liêng, chỉ Ðức Chí Tôn. Tìm Chí Linh: Ý nói đến yết kiến Ðức Chí Tôn. Trị thế: Trị là sắp đặt cho yên, thế là đời. Trị thế là sắp cho đời được an ổn.
C.9-10: "Nay vua đã thăng hà, linh hồn trở về gần gũi với Ðức Chí Tôn, đến giúp Ðức Chí Tôn trị thế cứu đời."

Câu 11-12: "Thiên tào Thánh ngự an ngôi,"
"Cầu cho dân chúng khỏi hồi can qua."
Thiên tào: Cơ quan chuyên môn nơi cõi Trời. Mỗi Thiên tào là một từng Trời, có 36 cõi Thiên tào, tức có 36 từng Trời (Tam thập lục Thiên). Thánh ngự: Vua ngồi lên ngôi vị. Thánh là chỉ vua, ngự là ngồi một cách trang trọng.
Can qua: Can là cái khiên, qua là ngọn giáo. Can qua là khiên và giáo, là 2 thứ cần thiết trang bị cho người lính đánh giặc thời xưa, nên Can qua chỉ việc chiến tranh.
C.11-12: "Vua đã ngồi yên trên ngôi vị nơi Thiên tào, cầu xin vua giúp cho dân chúng tránh khỏi việc chiến tranh."

Câu 13-14: "Bốn ngàn năm quốc gia đã lập,"
"Cõi Nam Châu bồi đắp giang san."
Nam Châu: Nam là hướng Nam, Châu là Giao Châu. Giao Châu là tên của nước VN dưới thời Thái Thú Sĩ Nhiếp, nội thuộc nước Tàu. Nam Châu là nước VN ở về phía Nam nước Tàu. Giang sơn: Núi sông, chỉ một nước.
C.13-14: "Nước VN từ ngày lập quốc đến nay đã hơn 4000 năm. Tại xứ Giao Châu người VN bắt đầu bồi đắp giang sơn."

KHẢO DỊ:
- Kinh Lễ năm 1952: Cõi Năm Châu.
- Kinh TÐ-TÐ 1936, 1968, 1974, 1975: Cõi Nam Châu.
Năm Châu: "5 Châu lớn trên Thế giới: Á Châu, Âu Châu, Phi Châu, Mỹ Châu, Úc Châu."

Câu 15-16: "Trụ tâm nâng đỡ quốc hồn,"
"Giữ bền đảnh nghiệp vĩnh tồn hậu lai."
Trụ tâm: Giữ vững cái tâm. Quốc hồn: Hồn nước, cái tinh thần đặc biệt của một dân tộc.
Ðảnh nghiệp: Ðảnh hay Ðỉnh là cái vạc 3 chân, nghiệp là sự nghiệp. Ngày xưa, vua Hạ Võ trị thủy xong thì đúc ra Cửu đỉnh (9 cái vạc lớn) tượng trưng Cửu Châu để trấn quốc. Từ đó, chữ Ðỉnh nghiệp dùng để chỉ sự nghiệp to lớn hiển hách của một ông vua. Vĩnh tồn: Tồn tại lâu dài. Hậu lai: Thời gian tới sau, tức là thời gian sắp tới.
C.15-16: "Giữ vững cái tâm để nâng đỡ hồn nước. Giữ bền sự nghiệp hiển hách của vua cho tồn tại lâu dài về sau."

KHẢO DỊ:
- Kinh Lễ năm 1952: Danh nghiệp.
- Kinh TÐ-TÐ 1936, 1968, 1974, 1975: Đảnh nghiệp.
Danh nghiệp: Tiếng tăm và sự nghiệp.

Câu 17-18: "Kìa Chí Tôn Cao Ðài đương ngự,"
"Rưới hồng ân chặt giữ biên cương."
Cao Ðài: Cái Ðài Cao tại Linh Tiêu Ðiện Ngọc Hư Cung, nơi ngự của Ðức Chí Tôn mỗi khi họp Thiên triều.
Biên cương: Biên là chỗ giáp với nước khác; cương là bờ cõi. Biên cương là biên giới bờ cõi của một nước.
C.17-18: "Kìa Ðức Chí Tôn đang ngự trên ngôi Cao Ðài, ban rải ơn huệ cho dân gìn giữ chặt chẽ biên giới nước nhà."

Câu 19-20: "Sống thì định bá đồ vương,"
"Qui Thiên dựng lại miếu đường thuở xưa."
Ðịnh bá đồ vương: Ðịnh là sắp đặt, đồ là mưu tính, Bá là vua của một nước mạnh có một số nước chư Hầu tùng phục, Vương là vua của một nước lớn cai trị tất cả các chư Hầu. Hầu chịu dưới quyền của Bá; Bá chịu dưới quyền của Vương. Ðịnh bá đồ vương là sắp đặt mưu kế để làm bá làm vương.

Qui Thiên: Ý nói chết, linh hồn trở về cõi Trời.
Miếu đường: Nhà thờ tổ tiên dòng họ của nhà vua. Miếu đường thường được cất ngay bên cạnh triều đình, nên miếu đường chỉ triều đình của vua. Miếu đường là nơi ngự của linh hồn các vị vua đời trước, nên Miếu đường cũng chỉ hồn nước, quốc hồn, bởi vì vua tượng trưng cho nước.
C.19-20: "Khi sống thì lo sắp đặt mưu kế để làm Bá làm Vương. Khi chết rồi, linh hồn trở về cõi Trời, xin vua giúp xây dựng lại hồn nước cho hùng mạnh như thuở xưa."
1 ]  2 ]  3 ]  4 ]  5 ]  6 ]  7 ]  8 ]  9 ]  10 ]  11 ]  12 ]  13 ]  14 ]  15 ]  16 ]  17 ]  18 ]  19 ]  20 ] [ 21 ]  22 ]  23 ]  24 ]  25 ]  26 ]  27 ]  28 ]  29 ]  30 ]  31 ]  32 ]  33 ]  34 ]  35 ]  36 ]  37 ]  38 ]  39 ]  40 ]  41 ]  42 ]  43 ]  44 ]  45 ]  46 ]  47 ]  48 ]  49 ]  50 ]  51 ]  52 ]  53 ]  54 ]  55 ]  56 ]  57 ]  58 ]  59 ]  60 ]  61 ]  62 ]  63 ]

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét