1. "Thức giấc mộng huỳnh lương vừa mãn.
2. Tiếng phồn ba hết thoáng bên tai.
3. Giải thi lánh chốn đọa đày,
5. Phép Giải Oan độ hồn khỏi tội.
6. Phướn Tiêu Diêu nắm mối trường sanh.
7. Ơn nhờ hồng phước Chí Linh,
8. Lôi Âm tự toại, Bồng Dinh hưởng nhàn.
9. Nhờ Hậu Thổ xương tàn gìn giữ.
10. Nghĩa Chí Tôn tha thứ tiền khiên.
11. Ðưa tay vịn phép diệu huyền,
12. Ngọc Hư lập vị, Cửu tuyền lánh chơn.
13. Ngó Cực Lạc theo huờn Xá lợi.
14. Cửu Trùng Thiên mở lối qui nguyên.
15. Rỡ ràng Phật cốt Tiên duyên.
16. Nước Cam lồ rửa sạch thuyền độ nhân."
GIẢI NGHĨA
Kinh Hạ Huyệt do Ðức Quan
Thế Âm Bồ Tát (Thường Cư Nam Hải Quan Âm Như Lai) giáng cơ ban cho.
Khi đưa linh cữu ra tới
huyệt thì vị chứng đàn và đồng nhi đứng trước đầu huyệt, tụng Kinh Hạ Huyệt 3
hiệp, mỗi hiệp cúi đầu, mãn hiệp thứ ba liền tụng tiếp 3 biến Vãng Sanh Thần
Chú. Hễ dứt thì niệm Câu Chú của Thầy 3 lần.
Hạ Huyệt: Hạ là đem xuống,
huyệt là cái lỗ đào xuống đất. Hạ huyệt là đem quan tài đặt xuống cái huyệt đã
đào sẵn dưới đất để chôn.
Kinh Hạ Huyệt là bài kinh
để đồng nhi tụng trước khi đem quan tài đặt xuống huyệt để chôn.
Câu 1: "Thức giấc mộng huỳnh lương vừa mãn."
Huỳnh lương: Huỳnh là màu
vàng, lương là bắp. Huỳnh lương là bắp vàng, một lọai trong ngũ cốc dùng để nấu
ăn. Giấc mộng huỳnh lương: Giấc chiêm bao kéo dài trong thời gian nấu chín nồi
bắp vàng.
ÐIỂN TÍCH: Chung Ly Vân
Phòng đời nhà Hớn, nên thường gọi là Hớn Chung Ly, là một vị Ðại Tiên, thấy Ông
Lữ động Tân (thường gọi Lữ đồng Tân) có căn lành nên muốn độ họ Lữ đi tu, liền
đến huyện Hàm Ðang gặp họ Lữ nói rằng:
- Ta là Chung Ly Vân Phòng
tu ở núi Triều Hạc, Ông có muốn đi chơi với ta không?
Lữ đồng Tân có vẻ lưỡng lự
vì muốn đi thi Tiến sĩ để dương danh với đời. Chung Ly biết vậy, liền mời Lữ
đồng Tân đến bên nồi bắp vàng đang nấu, ngồi chơi, rồi đưa cho một cái gối bảo
nằm xuống nghỉ, còn mình thì tiếp tục đun nồi bắp vàng. Ðồng Tân kê đầu vào gối
nằm xuống giây lát thì chiêm bao thấy mình vác lều chõng đi thi, ngang qua một
nhà giàu nọ, gặp một người con gái rất đẹp thì ướm lời. Nàng nọ nói rằng:
" Nếu chàng đi thi đậu Trạng Nguyên thì thiếp nguyện nâng khăn sửa
trấp." Lữ đồng Tân vào khoa thi, đậu được Trạng Nguyên, về cưới nàng ấy,
sau lại cưới thêm hầu thiếp nữa, được vua bổ làm quan Gián Nghị, lần lần được
thăng lên đến chức Tể Tướng, giàu sang tột bực, con cháu đầy nhà.
Chẳng may, sau đó bị gian
thần hãm hại, vu oan giá họa, vua truyền bắt tội, tịch thu hết gia sản sự
nghiệp, rồi đày ra chốn Lãng Biển, cực khổ vô cùng. Kế giựt mình thức dậy, ngơ
ngẩn tâm thần.
Chung Ly Vân Phòng ngồi kế
bên bèn cười lớn, ngâm hai câu thơ:
Nồi bắp hãy còn ngòi,
Chiêm bao đà thấy cháu.
Lữ đồng Tân lấy làm lạ hỏi
rằng:
- Thầy biết sự chiêm bao
của tôi sao?
- Chiêm bao 50 năm, công
việc cả muôn, thiệt không đầy một lát, đặng chẳng khá mừng, mất không nên thảm,
hết vinh tới nhục là lẽ thường.
Lữ đồng Tân nghe Hớn Chung
Ly nói thế thì tỉnh ngộ, ngẫm nghĩ lại mà chán ngán cuộc đời, liền từ bỏ mộng
công danh, cầu xin Hớn Chung Ly truyền đạo.
Do sự tích nầy, người ta
thường dùng các thành ngữ: Giấc huỳnh lương, Huỳnh lương mộng, Giấc Hàm Ðang,
là để chỉ giấc mộng của Lữ đồng Tân, ý nói rằng: Cuộc vinh hoa phú quí ở đời,
nên xem nó là phù du mộng ảo.
Câu 2: "Tiếng phồn ba hết thoáng bên tai."
Phồn ba: Phồn là nhiều; ba là cái hoa. Phồn ba,
đồng nghĩa Phồn hoa, là chỉ nơi dân cư đông đúc, mua bán tấp nập, ngựa xe như
nước, là trường náo nhiệt đua chen danh lợi.
Thoáng: Thoảng qua, lướt
qua một cách nhẹ nhàng trong thời gian rất ngắn, chỉ đủ để cảm nhận được.
C.1-2: "Khi thức tỉnh lại rồi, thấy cuộc đời
như là một giấc chiêm bao. Cái âm vang của trường náo nhiệt đua chen danh lợi
cũng hết thoảng bên tai."
Câu 3-4: "Giải thi lánh chốn đọa đày,"
"Chơn linh trong sạch ra ngoài Càn khôn."
Giải thi: Giải là cởi bỏ,
thi là thi hài thể xác. Giải thi là cởi bỏ thể xác, tức là khi thể xác chết,
Chơn thần và Linh hồn xuất ra khỏi thể xác, đi lên cõi Thiêng liêng.
Chốn đọa đày: Chỉ cõi
trần, vì cõi trần là cõi đọa.
Chơn linh trong sạch: Chơn
linh trong sạch thì Chơn thần phải trong sạch. Muốn cho Chơn thần trong sạch
thì phải giữ cho Thể xác trong sạch. Muốn cho Thể xác trong sạch thì phải ăn
chay trường, cúng kiếng thường và giữ tư tưởng cho thanh cao. Một Chơn linh
trong sạch khi ở trong một Chơn thần trong sạch; một Chơn thần trong sạch khi ở
trong một Thể xác trong sạch. Chơn thần trong sạch thì mới nhẹ nhàng, mới bay
lên tới cõi Thiêng liêng Hằng sống.
Càn Khôn: Trời Ðất, thường
nói CKVT. Ra ngoài Càn khôn: Bay thoát ra ngoài cõi trần, đi vào CKVT.
C.3-4: "Cởi bỏ thể xác để Linh hồn và Chơn
thần bay lên lánh khỏi cõi trần đày đọa. Khi Linh hồn và Chơn thần trong sạch
thì mới được nhẹ nhàng, thoát ra ngoài cõi trần, đi vào CKVT."
Câu 5: "Phép Giải Oan
độ hồn khỏi tội."
Phép Giải oan: là một phép
Bí tích rất huyền diệu của Ðạo Cao Ðài do Ðức Chí Tôn ban cho nhơn loại trong
kỳ Ðại Ân Xá nầy, để cởi bỏ hết các oan nghiệt đã gây ra từ nhiều kiếp trước,
nhờ đó nhơn sanh dễ tiến bước trên đường tu hành, theo đúng với Cơ Tận độ của
Ðức Chí Tôn. (Xem: C.30 KGO).
C.5: "Phép Giải oan cứu giúp các linh hồn thoát khỏi các tội tình đã
gây ra trong nhiều kiếp trước."
Câu 6: "Phướn Tiêu Diêu
nắm mối trường sanh."
Phướn Tiêu Diêu: Cây phướn
của Lục Nương cầm, cũng gọi là Phướn Truy Hồn, để gìn giữ và hướng dẫn Chơn hồn
đi lên các từng Trời của Cửu Trùng Thiên.
Trường sanh: Sống hoài,
hằng sống, chỉ cõi TLHS.
C.6: "Cây Phướn Tiêu Diêu của Lục Nương dẫn dắt các chơn hồn lên cõi
Thiêng liêng Hằng sống."
Câu 7-8: "Ơn nhờ hồng phước Chí Linh,"
"Lôi Âm tự toại,
Bồng Dinh hưởng nhàn."
Hồng phước: Hồng là to
lớn, phước là điều may mắn tốt lành. Hồng phước là điều may mắn tốt lành lớn do
Ðức Chí Tôn ban cho. (Chữ Hồng dùng để chỉ cái gì to lớn của Ðức Chí Tôn hay do
Ðức Chí Tôn ban cho. Thí dụ: Hồng oai, Hồng từ, Hồng ân, Hồng phước.)
Chí Linh: Rất thiêng
liêng, chỉ Ðức Chí Tôn.
Lôi Âm: Lôi Âm Tự, chùa
Lôi Âm ở tại kinh đô của cõi CLTG, nơi ngự của Ðức Phật Thích Ca và Ðức A-Di-Ðà
Phật. Ở đây, Lôi Âm là chỉ cõi CLTG, là nơi hoàn toàn sung sướng và an vui. Tự
toại: Tự là chính mình, toại là thỏa lòng. Tự toại là lòng dạ thỏa thích, ung
dung thơ thới.
Bồng Dinh: Hai hòn đảo:
Bồng Lai và Dinh Châu. Tương truyền trong biển Bột Hải nơi cõi Thiêng liêng có
3 hòn đảo tên là: Bồng Lai, Dinh Châu, Phương Trượng, đều có Tiên ở. Trên đảo
Bồng Lai có núi Bồng Lai (cũng gọi là Bồng sơn) có 8 động đá là nơi ở của Bát
Tiên. Bồng Dinh là chỉ cõi Tiên. Lôi Âm là chỉ cõi Phật.
C.7-8: "Nhờ hưởng được ơn phước của Ðức Chí
Tôn, nên Chơn hồn được ung dung thơ thới nơi cõi Phật, và an nhàn nơi cõi Tiên."
Câu 9: "Nhờ Hậu Thổ xương tàn gìn giữ."
Hậu Thổ: Hậu là vua (theo
nghĩa xưa), Thổ là đất. Hậu Thổ là vua Ðất, tức là vị Thần cai quản đất đai của
một nước, làm đầu các vị Thổ Thần. Thổ Thần là vị Thần cai quản một vùng đất
nhỏ. Xương tàn: Bộ xương còn lại sau khi xác chết thúi rã thành nước tan vào
đất.
C.9: "Xin nhờ thần Hậu Thổ gìn giữ các mảnh xương tàn của người chết
gởi tại nơi đây."
Câu 10: "Nghĩa Chí Tôn tha thứ tiền khiên."
Nghĩa Chí Tôn: Ơn nghĩa của
Ðức Chí Tôn. Tiền khiên: Lỗi lầm đã gây ra trong các kiếp trước.
C.10: "Ơn nghĩa của Ðức Chí Tôn tha thứ các lỗi lầm đã gây ra trong các
kiếp trước."
Câu 11-12: "Ðưa tay vịn
phép diệu huyền,"
"Ngọc Hư lập vị,
Cửu tuyền lánh chơn."
Phép diệu huyền: Phép Bí
tích huyền diệu mà Ðức Chí Tôn đã ban cho như: Phép Giải oan, Phép Xác, Phép
Ðoạn căn, Phép Ðộ thăng, vv. Vịn: Ðặt bàn tay tựa vào cho có thế vững, ý nói
dựa vào. Vịn phép diệu huyền: Dựa vào các Phép Bí tích huyền diệu.
Ngọc Hư: Ngọc Hư Cung nơi
cõi Thiêng liêng, là nơi họp Thiên triều của Ðức Chí Tôn Thượng Ðế. Hiệp Thiên
Ðài là hình ảnh của Ngọc Hư Cung tại thế.
Lập vị: Làm nên phẩm vị
cho mình.
Cửu tuyền: Tuyền là suối,
Cửu tuyền là Chín suối, chỉ cõi Âm phủ. Tương truyền, cõi Âm phủ có 9 dòng
suối.
Lánh chơn: Bước đi lánh
khỏi chỗ đó.
C.11-12: "Dựa vào các Phép Bí tích huyền diệu mà
lên Ngọc Hư Cung lập phẩm vị cho mình, và bước đi lánh xa cõi Âm phủ."
KHẢO
DỊ:
*
Kinh TÐ-TÐ năm 1936: Ðưa tay dịnh phép.
*
Kinh Lễ in bên Pháp năm 1952: Ðưa tay định phép.
*
Kinh TÐ-TÐ năm 1968, 1974, 1975: Ðưa tay vịn phép.
Câu 13: "Ngó Cực Lạc theo huờn Xá lợi."
Ngó: Nhìn. Cực Lạc: CLTG,
cõi Phật.
Huờn: do chữ Hoàn nói trại
ra. Hoàn là một viên tròn, một cái hột. Thí dụ như: Hoàn thuốc.
Xá lợi: Sau khi Ðức Phật
Thích Ca tịch diệt, thể xác của Phật được hỏa thiêu. Trong mớ tro tàn còn lại
có những hột tròn tròn chiếu sáng như ngọc, gọi là Ngọc Xá lợi. Các hột Xá lợi
nầy được thu giữ cẩn thận, phân chia ra nhiều chỗ để thờ. Vị Tăng Thống của
Phật giáo Tích Lan có đem qua tặng Tòa Thánh Tây Ninh một hột Ngọc Xá lợi nầy.
Do đó, từ ngữ Huờn Xá lợi là chỉ Ðức Phật.
C.13: "Nhìn về phía CLTG để theo về với Phật."
Câu 14: "Cửu Trùng Thiên mở lối qui nguyên."
Cửu Trùng Thiên: Chín từng
Trời. Cửu là 9, Trùng là nhiều lớp chập chồng lên nhau, Thiên là Trời. (Xem chi
tiết về Cửu Trùng Thiên nơi chữ: Chín từng Trời, Câu 8 bài Kinh Niệm Hương). Mở
lối: Mở đường.
Qui nguyên: Qui là trở về;
Nguyên là cái gốc mà từ đó nó được sanh ra, gốc đó là Thái Cực tức là Ðức Chí
Tôn Thượng Ðế. Qui nguyên là trở về với Ðức Chí Tôn.
C.14: "Chín từng Trời mở ra một con đường để các Chơn hồn trở về với Ðức
Chí Tôn."
Câu 15: "Rỡ ràng Phật cốt Tiên duyên."
Rỡ ràng: Sáng ngời một
cách đẹp đẽ.
Phật cốt: Cốt cách như
Phật. Tiên duyên: Có duyên với Tiên, tức là có mối dây ràng buộc với các vị
Tiên.
C.15: "Cốt cách sáng ngời như Phật, có mối dây ràng buộc với Tiên."
KHẢO
DỊ:
*
Kinh TÐ-TÐ- năm 1936: Rỡ ràng Phật cốt Tiên duyên.
*
Kinh Lễ 1952, Kinh TÐ-TÐ 1968, 1974, 1975: Rõ ràng Phật cốt tiền duyên.
Rõ
ràng: Rất rõ, rất minh bạch. Tiền duyên: Có mối dây ràng buộc từ trước.
Câu 16: Nước Cam lồ rửa sạch thuyền độ nhân.
Nước Cam lồ: Chữ Hán là
Cam lồ thủy, Cam là ngọt, Lồ do chỡ Lộ đọc trại ra, Lộ là giọt sương. Cam lồ
thủy tức là Cam lộ thủy là nước sương ngọt. Ðây là chất nước huyền diệu do Ðức
Quan Âm Bồ Tát luyện thành, có vị ngọt, mùi thơm, công dụng rất linh diệu, giải
trừ oan nghiệt, cải tử huờn sanh.
Thuyền độ nhân: Chiếc
thuyền Bát Nhã cứu độ người.
C.16: "Nước Cam lồ rửa sạch tiền khiên nghiệp chướng, và chiếc thuyền
Bát Nhã cứu độ người đưa qua biển khổ."
[ 1 ] [ 2 ] [ 3 ] [ 4 ] [ 5 ] [ 6 ] [ 7 ] [ 8 ] [ 9 ] [ 10 ] [ 11 ] [ 12 ] [ 13 ] [ 14 ] [ 15 ] [ 16 ] [ 17 ] [ 18 ] [ 19 ] [ 20 ] [ 21 ] [ 22 ] [ 23 ] [ 24 ] [ 25 ] [ 26 ] [ 27 ] [ 28 ] [ 29 ] [ 30 ] [ 31 ] [ 32 ] [ 33 ] [ 34 ] [ 35 ] [ 36 ] [ 37 ] [ 38 ] [ 39 ] [ 40 ] [ 41 ] [ 42 ] [ 43 ] [ 44 ] [ 45 ] [ 46 ] [ 47 ] [ 48 ] [ 49 ] [ 50 ] [ 51 ] [ 52 ] [ 53 ] [ 54 ] [ 55 ] [ 56 ] [ 57 ] [ 58 ] [ 59 ] [ 60 ] [ 61 ] [ 62 ] [ 63 ]
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét