KINH TỤNG HUYNH ÐỆ MÃN
PHẦN (Giọng Nam ai)
1. "Niềm thủ túc đã đành vĩnh biệt,
2. Càng nhớ nhau càng tiếc tình nồng.
3. Thân nhau từ buổi lọt lòng,
4. Chén cơm miếng cá cũng đồng chia nhau.
5. Câu chọc ruột còn đau đớn bấy,
6. Huống Âm Dương hết thấy mặt nhau.
7. Rẽ phân cốt nhục đồng bào,
8. Cảnh Thiên cõi tục lẽ nào không thương.
9. Thương những thuở huyên đường ôm ấp,
10. Thương những khi
co đắp chung mền.
11. Thương hồi thơ bé tuổi tên,
12. Thương cơn khôn lớn giữ bền nghĩa nhau.
13. Rủi Thiên số Nam Tào đã định,
14. Giải căn sinh xa lánh trần ai.
15. Khá tua theo bóng Cao Ðài,
16. Nương
mây thoát tục ra ngoài Càn khôn.
17. Khối tình ái hương hồn dầu nhớ,
18. Tránh oan gia giải nợ trầm luân.
19. Viếng thăm hôm sớm ...
(1)...
20. Trọn câu thần tỉnh, ân cần cung Tiên.
21. Gởi Tổ phụ .. (2).. hiền
cung phụng,
22. Gởi sắp em còn sống nơi đời.
23. Rót chung ly biệt
lưng vơi,
24. Mảnh lòng tha thiết đưa người bạn xưa."
(1) Song thân, hoặc phụ
thân, hay mẫu thân đã qui vị.
(2) Anh hay
Chị mãn phần.
GIẢI NGHĨA
Huynh đệ:
Anh em. Huynh tỷ là anh chị. Mãn
phần: Mãn là hết, phần là cái số phận mà Trời dành cho mỗi người. Mãn phần là chết, đồng nghĩa với: Qui liễu, Qui
vị.
Kinh Tụng Huynh Ðệ Mãn Phần là bài kinh dùng
tụng lên cho em quì tế lễ Anh ruột hay Chị ruột mới chết.
Câu 1-2: "Niềm thủ túc đã
đành vĩnh biệt",
"Càng nhớ nhau càng tiếc tình nồng."
Niềm: Tiếng dùng để chỉ tâm trạng hay tình cảm.
Thủ túc: Tay chơn. Thủ là tay, túc là
chơn. Thủ túc là chỉ anh em ruột. Ca dao: Anh em như thể tay chơn. Vĩnh biệt:
Xa cách vĩnh viễn. Tình nồng: Tình thương yêu nồng nàn.
C.1-2: "Tình cảm giữa anh chị em ruột đành xa cách
nhau mãi mãi. Càng nhớ nhau càng luyến tiếc tình thương yêu nồng nàn."
Câu 3-4: "Thân nhau từ buổi lọt lòng,"
"Chén cơm miếng cá cũng đồng chia nhau."
Anh chị em ruột gần gũi
thương mến nhau ngay từ buổi mới lọt lòng mẹ, cùng chia xẻ cho nhau từ chén cơm
miếng cá.
Câu 5-6: "Câu chọc ruột còn đau đớn bấy,"
"Huống Âm Dương hết thấy mặt nhau."
Câu chọc ruột: Ý nói: Anh
chị em ruột gây gổ với nhau làm cho đau đớn ruột gan như bị cây chọc vào ruột.
Bấy: Từ để chỉ mức độ
nhiều. Huống: Phương chi.
Âm Dương: Cõi Âm và cõi
Dương, tức là cõi của người chết và cõi của người sống.
C.5-6: "Anh chị em ruột gây gổ nhau còn cảm
thấy đau đớn lắm thay, huống chi bây giờ người còn sống và người đã chết, chia
lìa hết thấy mặt nhau !"
Câu 7-8: "Rẽ phân cốt nhục đồng bào,"
"Cảnh Thiên cõi tục lẽ nào không thương."
Cốt nhục: Xương thịt. Cốt
là xương, nhục là thịt. Ý nói: Anh chị em ruột thịt với nhau.
Ðồng bào: Cùng một bọc
sanh ra, ý nói: Anh chị em ruột với nhau. Cảnh Thiên: Cõi Trời. Cõi tục: Cõi
trần. Cảnh Thiên cõi tục: Người thì lên cõi Trời, người thì ở lại cõi trần.
C.7-8: "Anh chị em ruột cùng một mẹ sanh ra, nay
phải chia lìa, người lên cõi Trời, người ở lại cõi trần, lẽ nào không thương
nhớ nhau?"
Câu 9-10: "Thương những
thuở huyên đường ôm ấp,"
"Thương những khi co đắp chung mền."
Huyên đường: dịch ra là
Nhà huyên, chỉ mẹ hiền. (Xem: Từ Huyên, C.37 PMCK). Ôm ấp: Mẹ âu yếm ôm con vào
lòng với tình thương yêu thắm thiết.
Co đắp chung mền: Khi Trời
lạnh, anh em nằm co, đắp chung một cái mền.
C.9-10: "Thương nhớ hồi lúc còn thơ bé, mẹ hiền
ôm ấp thương yêu mấy anh chị em, thương nhớ những khi Trời lạnh anh chị em nằm
co đắp chung một cái mền."
Câu 11-12: "Thương hồi thơ bé tuổi tên,"
"Thương cơn khôn lớn giữ bền nghĩa nhau."
Thương nhớ hồi còn thơ bé,
anh em gọi tên gọi tuổi nhau, thương nhớ lúc khôn lớn nên người, anh em giữ bền
việc đối xử tốt đẹp với nhau.
Câu 13-14: "Rủi Thiên số
Nam Tào đã định,"
"Giải căn sinh xa lánh trần ai."
Thiên số: Số tuổi thọ do
Trời định trước cho mỗi người.
Nam Tào: Vị Tiên ngự nơi
sao Nam Tào. Thường nói Nam Tào, Bắc Ðẩu, đó là 2 vị Tiên, một ngự nơi sao Nam
Tào, một ngự nơi sao Bắc Ðẩu, có nhiệm vụ coi Bộ Sanh và Bộ Tử của nhơn loại.
Giải: Cởi bỏ ra. Căn sinh: Căn là gốc rễ, chỉ những oan nghiệt đã gây ra trong
kiếp sống trước; sinh là sống. Căn sinh: Những oan nghiệt đã gây ra trong kiếp
sống trước. Giải căn sinh là cởi bỏ hết những oan nghiệt đã tạo ra trong kiếp
sống trước.
Trần ai: Trần là bụi, ai
cũng là bụi. Trần ai là chỉ cõi trần, cõi của nhơn loại đang sống, cõi ô trược
đầy bụi bặm.
C.13-14: "Rủi là vị Tiên Nam Tào đã định số tuổi
thọ rồi, nay đúng kỳ phải cởi bỏ hết các oan nghiệt và xa lánh cõi trần."
Câu 15-16: "Khá tua theo
bóng Cao Ðài,"
"Nương mây thoát tục ra ngoài Càn khôn."
Khá tua: Nên phải. Bóng:
Ánh sáng. Cao Ðài: Danh xưng của Ðức Ngọc Hoàng Thượng Ðế trong thời ÐÐTKPÐ.
Nương mây: Dựa vào các đám
mây. Thoát tục: Thoát ra khỏi cõi trần. Ra ngoài Càn khôn: Ði ra bên ngoài cõi
trần (là nơi mình ở), để vào Càn Khôn Vũ Trụ.
C.15-16: "Nên phải theo ánh sáng của Ðức Chí Tôn,
nương theo các đám mây mà thoát ra khỏi cõi trần, đi ra bên ngoài, vào CKVT."
Câu 17-18: "Khối tình ái
hương hồn dầu nhớ,"
"Tránh oan gia giải nợ trầm luân."
Khối tình ái: Ý nói tình
thương yêu nhiều lắm, cả một khối thương yêu. Hương hồn: Hồn thơm, từ ngữ dùng
để gọi linh hồn người chết với ý kính trọng.
Oan gia: Người có mối thù
giận mình.
Giải nợ: Cởi bỏ các món nợ
oan nghiệt. Trầm luân: Chìm đắm. Trầm là chìm, luân là chìm mất.
C.17-18: "Khối thương yêu, hương hồn dầu nhớ tới, nên tránh xa
các oan gia, cởi bỏ hết các món nợ oan nghiệt đã làm cho linh hồn chìm đắm nơi
cõi trần."
Câu 19-20: "Viếng thăm
hôm sớm ... (1)... "
"Trọn câu thần tỉnh, ân cần cung Tiên."
Hôm sớm: Buổi tối và buổi
sáng.
Trọn câu Thần tỉnh: Làm
cho tròn câu "Hôn định thần tỉnh" trong Kinh Thi. Hôn là buổi tối,
định là yên ổn, thần là buổi sáng, tỉnh là thăm hỏi. Hôn định thần tỉnh là buổi
tối đến săn sóc cha mẹ đến lúc ngủ yên, buổi sáng đến thăm hỏi cha mẹ có được
khỏe không, ý nói: Ân cần săn sóc cha mẹ.
C.19-20: "Sớm hôm viếng thăm (cha mẹ, hoặc cha,
hoặc mẹ, người nào đã chết), và làm cho tròn bổn phận ân cần chăm sóc cha mẹ
nơi cõi Tiên."
KHẢO DỊ:
- Kinh Lễ, Kinh TÐ-TÐ 1936, 1968:
Trọn câu thần tỉnh.
- Kinh TÐ-TÐ 1974, 1975:
Trọng câu thần tỉnh.
Trọn: Toàn vẹn. Trọng: Coi nặng.
Câu 21-22: "Gởi Tổ phụ ..
(2).. hiền cung phụng,"
"Gởi sắp em còn sống nơi đời."
Tổ phụ: Tổ tiên của dòng
họ. Hiền: Lành. Anh hiền hay Chị hiền: dịch chữ Hiền huynh hay Hiền tỷ.
Cung phụng: Cung là dâng,
phụng là kính dâng. Cung phụng là cung cấp đầy đủ những thứ cần thiết cho người
trên.
Sắp em: Ðám
em út. Sắp là bọn, đám.
C.21-22: "Nhờ (anh hay chị mới chết) cung phụng
Tổ tiên nơi cõi thiêng liêng, và xin gởi gấm đám em út đang
còn sống nơi cõi trần."
Câu 23-24: "Rót chung ly
biệt lưng vơi,"
"Mảnh lòng tha thiết đưa người bạn xưa."
Chung ly biệt: Chung rượu
bày tỏ sự biệt ly.
Lưng vơi: Không đầy. Mảnh
lòng: Tấm lòng.
Bạn xưa: Người bạn cũ thuở
trước. Lúc đầu kiếp xuống trần thì làm anh chị em ruột với nhau, nhưng thuở
trước lúc còn ở cõi thiêng liêng thì là bạn bè với nhau, cho nên mới gọi là
"bạn xưa".
C.23-24: "Xin rót chung rượu không đầy để tiễn
biệt người bạn xưa với tấm lòng thương nhớ tha thiết."
[ 1 ] [ 2 ] [ 3 ] [ 4 ] [ 5 ] [ 6 ] [ 7 ] [ 8 ] [ 9 ] [ 10 ] [ 11 ] [ 12 ] [ 13 ] [ 14 ] [ 15 ] [ 16 ] [ 17 ] [ 18 ] [ 19 ] [ 20 ] [ 21 ] [ 22 ] [ 23 ] [ 24 ] [ 25 ] [ 26 ] [ 27 ] [ 28 ] [ 29 ] [ 30 ] [ 31 ] [ 32 ] [ 33 ] [ 34 ] [ 35 ] [ 36 ] [ 37 ] [ 38 ] [ 39 ] [ 40 ] [ 41 ] [ 42 ] [ 43 ] [ 44 ] [ 45 ] [ 46 ] [ 47 ] [ 48 ] [ 49 ] [ 50 ] [ 51 ] [ 52 ] [ 53 ] [ 54 ] [ 55 ] [ 56 ] [ 57 ] [ 58 ] [ 59 ] [ 60 ] [ 61 ] [ 62 ] [ 63 ]
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét