Giải Nghĩa Kinh Thiên Đạo Thế Đạo - 30 / 63 (HT.Nguyễn Văn Hồng)


Kinh Ðệ Tam Cửu (Giọng Nam xuân)
1. "Cõi Thanh Thiên lên miền Bồng đảo.
2. Ðộng Thiên Thai Bảy Lão đón đường.
3. Cam lồ rưới giọt nhành dương,
4. Thất tình Lục dục như dường tiêu tan.
5. Cung Ðẩu Tốt nhặt khoan tiếng nhạc.
6. Ðệ lịnh bài cánh hạc đưa linh.
7. Tiêu thiều lấp tiếng dục tình.
8. Bờ dương bóng phụng đưa mình nâng thân.
9. Cung Như Ý Lão Quân tiếp khách,
10. Hội Thánh Minh giao sách Trường xuân.
11. Thanh quang rỡ rỡ đòi ngàn.
12. Chơn hồn khoái lạc lên đàng vọng Thiên."
(Niệm Câu Chú của Thầy 3 lần)


GIẢI NGHĨA
Kinh Ðệ Tam Cửu do Tam Nương DTC giáng cơ ban cho. Tam Nương có nhiệm vụ hướng dẫn các chơn hồn lên Thanh Thiên, là từng Trời thứ 3 trong Cửu Trùng Thiên. Gọi là Thanh Thiên vì ở từng Trời nầy, ánh sáng đều có màu xanh.

Câu 1-2: "Cõi Thanh Thiên lên miền Bồng đảo."
"Ðộng Thiên Thai Bảy Lão đón đường."
Bồng đảo: Ðảo Bồng Lai. Tương truyền ở biển Bột Hải nơi cõi TL có 3 hòn đảo: Bồng đảo [tức là đảo Bồng Lai], Dinh đảo [tức là đảo Dinh Châu], Phương đảo [tức là đảo Phương Trượng]. Ba hòn đảo nầy đều có các vị Tiên đến ở. Trên đảo Bồng Lai có núi Bồng Lai (Bồng sơn) là nơi ở của Bát Tiên. Nước biển chung quanh 3 hòn đảo nầy thì rất nhẹ, không đỡ nổi hột cải, nên gọi là Nhược Thủy (nước yếu).

Ðộng: Hang đá trong núi. Thiên Thai: tên của một hòn núi có Tiên ở. Trong truyện Lưu Thần và Nguyễn Triệu, hai chàng đi lên núi Thiên Thai hái thuốc, bị lạc không biết đường về, xảy gặp 2 nàng Tiên từ trong núi đi ra, rồi kết duyên cùng 2 nàng Tiên nầy. Ở núi Thiên Thai được chừng nửa năm, 2 chàng nhớ quê đòi trở về thăm. Khi về đến nhà thì con cháu đã đến đời thứ 7, không còn ai nhận ra. Hai chàng thất vọng, buồn bã trở lại núi Thiên Thai thì không tìm được đường lên núi, đành chịu chết ở chơn núi.
Bảy Lão: Bảy Ông Tiên, có lẽ đây là Trúc Lâm Thất Hiền tu thành Tiên. Ðây là 7 Ông Hiền ở trong rừng trúc, vào đời nhà Tấn bên Tàu, có tên là: Nguyễn Tịch, Kê Khang, Hướng Tú, Lưu Linh, Sơn Ðào, Nguyễn Hàm, Vương Nhung.
C.1-2: "Từ cõi Thanh Thiên đi lên miền đảo Bồng Lai, có 7 Ông Tiên ở động Thiên Thai ra đường đón tiếp."

Câu 3-4: "Cam lồ rưới giọt nhành dương,"
"Thất tình Lục dục như dường tiêu tan."
Cam lồ: Nước Cam lồ, thứ nước huyền diệu do Ðức Quan Âm Bồ Tát chế thành. Thường thấy trên các hình hay tượng Ðức Quan Thế Âm, tay trái của Ðức Bồ Tát cầm Tịnh bình chứa nước Cam lồ, tay mặt cầm cành dương liễu, để nhúng vào Tịnh bình mà làm phép rải nước Cam lồ.
Giọt nhành dương: Giọt nước nơi cành dương liễu, đó là giọt nước Cam lồ của Ðức Quan Âm Bồ Tát.
C.3-4: "Dùng cành cây dương liễu nhúng vào nước Cam lồ, rải lên Chơn thần để làm cho Lục dục và Thất tình tiêu tan."

Hai Câu kinh nầy là nói về Phép Xác: Vị Chức sắc hành pháp dùng nước Âm Dương cúng nơi Thiên bàn, đổ chung lại để luyện thành Cam lồ thủy, rồi dùng cành dương liễu nhúng vào nước nầy rải lên Chơn thần người chết đang nằm trong quan tài, để tẩy rửa Chơn thần cho được tinh khiết. Vị Chức sắc hành pháp phải trụ thần cho có huệ nhãn mới nhìn xuyên qua được lớp ván của quan tài, thấy được Chơn thần của người chết, thì việc hành pháp mới đạt hiệu quả huyền diệu.

Câu 5: "Cung Ðẩu Tốt nhặt khoan tiếng nhạc."
Cung Ðẩu Tốt: Ðây là Cung Ðẩu Suất của Ðức Thái Thượng Lão Quân. Nhặt khoan: Khi nhanh khi chậm.
C.5: "Nơi Cung Ðẩu Suất của Ðức Thái Thượng Lão Quân có tiếng nhạc phát ra khi nhanh khi chậm."

Câu 6: "Ðệ lịnh bài cánh hạc đưa linh."
Ðệ: Ðưa lên cấp trên với cử chỉ kính trọng. Lịnh bài: Cái thẻ bài dùng làm hiệu lịnh của một vị Bề Trên cấp cho. Cánh hạc: Ðôi cánh chim hạc. Ðưa linh: Ðưa linh hồn đi lên.
C.6: "Trình cái thẻ lịnh bài thì được cỡi lên chim hạc để chim hạc đưa chơn linh đi lên."

Câu 7: "Tiêu thiều lấp tiếng dục tình."
Tiêu thiều: Tiêu là cái ống sáo, thiều là sáng đẹp. Tiêu thiều là tên của một khúc nhạc thổi bằng ống sáo nghe rất réo rắt, khiến người nghe có tư tưởng trở nên cao thượng. Tương truyền khúc nhạc Tiêu thiều nầy do Bà Nữ Oa chế ra và vua Thuấn học được, đem dạy cho nhạc công trong triều đình.
Dục tình: Lòng ham muốn vật chất hay thú vui xác thịt.
C.7: "Tiêu thiều lấp tiếng dục tình, nghĩa là: Khúc nhạc tiêu thiều che lấp dục tình, khiến cho tâm hồn con người trở nên cao thượng."

Câu 8: "Bờ dương bóng phụng đưa mình nâng thân."
Bờ dương: Cái bờ đất có trồng cây dương. Trong Ðạo Ðức Kinh có câu: Dương vô trần nhiễm, Ðạo giả như dương. Nghĩa là: Cây dương không nhiễm bụi trần, Ðạo thì như cây dương. Do đó, Bờ dương là bờ đạo đức.
Bóng phụng: Hình ảnh của con chim phụng.
Bờ dương bóng Phụng: Do câu Hán văn: Phụng hàm đơn chiếu đề dương bạn, nghĩa là: Con chim phụng ngậm sắc lịnh của vua tiến lên bờ đạo đức. (Hàm là ngậm, Ðơn chiếu là tờ chiếu đỏ của vua, Ðề là tiến lên, Dương bạn là bờ dương).
Nâng thân: Nâng đỡ xác thân thiêng liêng đem lên.
C.8: "Chim phụng đưa Chơn thần lên bờ đạo đức."

Câu 9-10: "Cung Như Ý Lão Quân tiếp khách,"
"Hội Thánh Minh giao sách Trường xuân."
Ðức Thái Thượng Lão Quân tiếp khách tại Cung Như Ý,
Ðức Thái Thượng hội chư Tiên và chư Thánh lại gọi là Hội Thánh Minh, giao cho Chơn hồn một quyển sách tên là sách Trường Xuân, để Chơn hồn học tập theo đó mà tu luyện thành bực Thánh, bực Tiên.

Câu 11-12: "Thanh quang rỡ rỡ đòi ngàn."
"Chơn hồn khoái lạc lên đàng vọng Thiên."
Thanh quang: Ánh sáng màu xanh. Thanh là màu xanh. Nơi từng Trời Thanh Thiên, ánh sáng đều có màu xanh.

Rỡ rỡ: Sáng ngời rực rỡ chói lọi.
Ðòi ngàn: Ðòi là nhiều, ngàn là rừng núi. Ðòi ngàn là rừng núi chập chồng.
Vọng Thiên: Vọng là trông mong, Thiên là Trời. Vọng Thiên là trông mong lên Trời chầu Ðức Chí Tôn.
C.11-12: "Thanh quang rỡ rỡ đòi ngàn, Chơn hồn khoái lạc lên đàng vọng Thiên. Nghĩa là: Ánh sáng màu xanh sáng ngời rực rỡ soi khắp núi rừng, Chơn hồn khoái lạc lên đường, trông mong lên Trời chầu Ðức Chí Tôn."

KHẢO DỊ:
* Kinh Lễ 1952, Kinh TÐ-TÐ 1968, 1974: đôi ngàn.
* Kinh TÐ-TÐ năm 1936, 1975: đòi ngàn.
Ðôi là hai. Ðòi là nhiều.
Dùng chữ ÐÒI mới đúng.
1 ]  2 ]  3 ]  4 ]  5 ]  6 ]  7 ]  8 ]  9 ]  10 ]  11 ]  12 ]  13 ]  14 ]  15 ]  16 ]  17 ]  18 ]  19 ]  20 ] [ 21 ]  22 ]  23 ]  24 ]  25 ]  26 ]  27 ]  28 ]  29 ]  30 ]  31 ]  32 ]  33 ]  34 ]  35 ]  36 ]  37 ]  38 ]  39 ]  40 ]  41 ]  42 ]  43 ]  44 ]  45 ]  46 ]  47 ]  48 ]  49 ]  50 ]  51 ]  52 ]  53 ]  54 ]  55 ]  56 ]  57 ]  58 ]  59 ]  60 ]  61 ]  62 ]  63 ]

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét