Giải Nghĩa Kinh Thiên Đạo Thế Đạo - 34 / 63 (HT.Nguyễn Văn Hồng)


Kinh Ðệ Thất Cửu (Giọng Nam xuân)
1. "Nhẹ phơ phới dồi dào không khí,
2. Hạo Nhiên Thiên đã chí môn quan.
3. Ðẹp xinh cảnh vật đòi ngàn.
4. Hào quang chiếu diệu khai đàng thăng Thiên.
5. Cung Chưởng Pháp xây quyền Tạo Hóa,
6. Kiến Chuẩn Ðề thạch xá giải thi.
7. Dà Lam dẫn nẻo Tây Qui,
8. Kim chung mở lối kịp kỳ kỵ sen.

9. Ðộng Phổ Hiền Thần Tiên hội hiệp.
10. Dỡ kim cô đưa tiếp linh quang.
11. Im lìm kìa cõi Niết Bàn,
12. Lôi Âm trống thúc lên đàng thượng Thiên."
(Niệm Câu Chú của Thầy 3 lần)

GIẢI NGHĨA
Kinh Ðệ Thất Cửu do Thất Nương DTC giáng cơ ban cho. Thất Nương có nhiệm vụ dẫn dắt các Chơn hồn từ Kim Thiên đi lên từng Trời Hạo Nhiên Thiên, là từng thứ 7 trong Cửu Trùng Thiên, dưới quyền chưởng quản của Ðức Chuẩn Ðề Bồ Tát và Ðức Phổ Hiền Bồ Tát. Ngoài ra Thất Nương còn có nhiệm vụ giáo hóa các nữ tội hồn nơi cõi Âm Quang.

Câu 1-2: "Nhẹ phơ phới dồi dào không khí,"
"Hạo Nhiên Thiên đã chí môn quan."
Nhẹ phơ phới: Nhẹ phơi phới, nhẹ nhàng lắm. Dồi dào không khí: Bầu không khí dồi dào khí sanh quang, làm cho Chơn thần được đầy đủ sức sống và nhẹ nhàng.
Ðã chí: Ðã đến. Môn quan: Môn là cái cửa, quan là cửa lớn. Môn quan là cái cửa lớn đi vào một từng Trời.
C.1-2: "Chơn hồn nhẹ nhàng bay phơi phới trong bầu không khí dồi dào khí sanh quang, đã đến cái cửa lớn đi vào từng Trời Hạo Nhiên Thiên."

KHẢO DỊ:
* Kinh Lễ, Kinh TÐ-TÐ 1936, 1968, 1974: Nhẹ phơ phới...
* Kinh TÐ-TÐ 1975: Nhẹ phơi phới...
Phơ phới đồng nghĩa với Phơi phới.

Câu 3-4: "Ðẹp xinh cảnh vật đòi ngàn."
"Hào quang chiếu diệu khai đàng thăng Thiên."
Ðòi ngàn: Ðòi là nhiều, ngàn là rừng núi. Ðòi ngàn là rừng núi chập chồng. (Giống như: C.11. KÐ3C)
Hào quang: Hào là cái lông dài và nhọn, quang là ánh sáng. Hào quang là ánh sáng tỏa ra từ thân thể của một Ðấng thiêng liêng. Chiếu diệu: Chiếu sáng rực rỡ. Khai đàng: Mở đường. Thăng Thiên: Bay lên Trời.
C.3-4: "Cảnh vật rừng núi chập chồng thật là xinh đẹp. Ánh hào quang chiếu sáng rực rỡ mở đường bay lên Trời."

Câu 5-6: "Cung Chưởng Pháp xây quyền Tạo Hóa,"
"Kiến Chuẩn Ðề thạch xá giải thi."
Cung Chưởng Pháp: Cơ quan chưởng quản về pháp luật của Trời, giữ gìn an ninh và trật tự trong CKVT. Cung Chưởng Pháp thuộc từng Trời Hạo Nhiên Thiên, nên từng Trời nầy được gọi là Hạo Nhiên Pháp Thiên.
Xây quyền: Xây dựng quyền hành căn cứ trên Luật pháp. Tạo Hóa: chỉ Ðức Chí Tôn Thượng Ðế.
Kiến: Thấy, gặp. Chuẩn Ðề: Ðức Chuẩn Ðề Bồ Tát.
Thạch xá: Thạch là đá, xá là nhà. Thạch xá là ngôi nhà bằng đá. Giải thi: Giải là cắt nghĩa cho rõ ra, Thi là do chữ Thơ, Thư nói trại ra, nên Thi là quyển sách. Ở đây Thi là Thiên Thi, là quyển sách của Trời ghi chép Thiên điều, tức là ghi chép Luật pháp của Trời. Giải thi là giảng giải Thiên thơ.
GHI CHÚ: Chữ Thi ở đây nằm trong chữ Thiên Thi trong các câu Kinh: "Tam Kỳ khai hiệp Thiên Thi." (PMCK)
"Hiệp chúng đẳng chư Phật tạo định Thiên Thi." (DLCK)
C.5-6: "Cung Chưởng Pháp chưởng quản Pháp luật của CKVT, nên căn cứ trên luật pháp, xây dựng quyền hành của Ðức Chí Tôn. Chơn hồn đến gặp Ðức Chuẩn Ðề Bồ Tát đang giảng giải Thiên thơ trong ngôi nhà đá."

Câu 7-8: "Dà Lam dẫn nẻo Tây Qui,"
"Kim chung mở lối kịp kỳ kỵ sen."
Dà Lam: còn viết là Già Lam, là vị Phật gọi là Phật Già Lam. Dẫn nẻo: Dẫn đường.
Tây Qui: Một địa danh nơi từng Hạo Nhiên Thiên.
Kim chung: Cái chuông bằng vàng. Mở lối: Mở đường.
Kỵ sen: Kỵ là cỡi lên, ý nói đứng trên; Kỵ sen là đứng trên cái bông sen thần (Liên thần) để nó đưa mình bay lên. (Xem: C.5 KKÐCR)
C.7-8: "Ðức Phật Già Lam dẫn đường đi đến Tây Qui, có tiếng chuông vàng mở đường cho Chơn hồn kịp bước lên bông sen thần để nó đưa đi."

Câu 9-10:  "Ðộng Phổ Hiền Thần Tiên hội hiệp."
"Dỡ kim cô đưa tiếp linh quang."
Ðộng Phổ Hiền: Cái động đá, nơi Ðức Phổ Hiền Bồ Tát cư ngụ. Kim cô: Kim là vàng, cô là cái đai. Kim cô là cái đai bằng vàng, đội trên đầu. Dỡ: Lấy ra.
Dỡ kim cô: Lấy cái vòng kim cô ra khỏi đầu.
Linh quang: Ðiểm linh quang, đó là Chơn linh hay Linh hồn.
C.9-10: "Ðức Phổ Hiền Bồ Tát cùng chư vị Thần Tiên hội họp trong động đá. Dỡ cái kim cô ra để dưa Chơn linh tiếp tục bay lên."

Câu 11-12: "Im lìm kìa cõi Niết Bàn,"
"Lôi Âm trống thúc lên đàng thượng Thiên."
Lôi Âm: Lôi là sấm, âm là tiếng. Lôi Âm trống tức là Lôi Âm Cổ, cái trống Lôi Âm, vì tiếng trống phát ra lớn như tiếng sấm. Thúc là thúc giục. Lôi Âm trống thúc là tiếng trống Lôi Âm thúc giục lên đường.
Thượng Thiên: Thượng là đi lên, Thiên là Trời. Thượng Thiên là đi lên Trời.
C.11-12: "Kìa là cõi Niết Bàn hoàn toàn yên lặng, tiếng trống Lôi Âm thúc giục Chơn hồn lên đường đi lên Trời."

KHẢO DỊ:
* Kinh TÐ-TÐ 1936, Kinh Lễ 1952: thượng tiêu.
* Kinh TÐ-TÐ 1968, 1974, 1975: thượng Thiên.
Tiêu từng Trời, Thượng tiêu là đi lên các từng Trời.
1 ]  2 ]  3 ]  4 ]  5 ]  6 ]  7 ]  8 ]  9 ]  10 ]  11 ]  12 ]  13 ]  14 ]  15 ]  16 ]  17 ]  18 ]  19 ]  20 ] [ 21 ]  22 ]  23 ]  24 ]  25 ]  26 ]  27 ]  28 ]  29 ]  30 ]  31 ]  32 ]  33 ]  34 ]  35 ]  36 ]  37 ]  38 ]  39 ]  40 ]  41 ]  42 ]  43 ]  44 ]  45 ]  46 ]  47 ]  48 ]  49 ]  50 ]  51 ]  52 ]  53 ]  54 ]  55 ]  56 ]  57 ]  58 ]  59 ]  60 ]  61 ]  62 ]  63 ]

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét