Giải Nghĩa Kinh Thiên Đạo Thế Đạo - 4 / 63 (HT.Nguyễn Văn Hồng)


PHẬT GIÁO " "
Nhiên Ðăng C Pht chí tâm qui mng l.

Phn I : Ngun gc 3 bài Kinh Tam giáo:
Ba bài kinh Tam giáo: Kinh Pht giáo, Kinh Tiên giáo, Kinh Nho giáo, do các Ðng Thiêng liêng giáng cơ ban cho ở chùa Hàn Sơn Tự, nơi Cô Tô Thành, bên Trung Hoa, rồi sau đó mới truyền qua Việt Nam.
 Thời gian các Ðấng TL ban cho Kinh Tam giáo, theo các bậc tiền bối kể lại, là trong thời Nhà Thanh, đời vua Thanh Nhơn Tông, niên hiệu Gia Khánh (1796 - 1820) và đời vua Thanh Tuyên Tông, niên hiệu Ðạo Quang (1821 - 1851).
Như bài Kinh Tiên giáo, có in trong quyển sách: Huỳnh Ðình Nội Cảnh Tường Chú, do Hàm Hư Tử bình chú năm 1847.

Phần II : Ghi chú về việc Giải nghĩa:
Trong phần Giải nghĩa 3 bài Kinh Tam giáo, có viết chữ Hán kèm theo, soạn giả căn cứ phần chánh vào Bản Kinh Hán văn in trong quyển "Tứ Thời Nhựt Tụng Kinh" xuất bản năm 1928, của Nhị vị Ðầu Sư Thượng Trung Nhựt và Ngọc Lịch Nguyệt, có sự phối hợp đối chiếu với Bản Kinh Hán văn in trong quyển "Ðại Ðạo Tam Kỳ Phổ Ðộ Kinh" của Bà Nữ Ðầu Sư Lâm Hương Thanh, xuất bản năm 1929.

Phần III: Giải nghĩa Kinh Phật giáo:
Phật giáo: đồng nghĩa Phật đạo, chỉ những tôn giáo mà giáo lý dạy tín đồ tu thành Phật.

Thích giáo: Thích là chỉ Ðức Phật Thích Ca. Thích giáo là tôn giáo do Ðức Phật Thích Ca lập ra tại Ấn Ðộ và Ðức Thích Ca làm Giáo chủ.

Từ ngữ Thích giáo tương ứng với các từ ngữ như: Lão giáo, Khổng giáo.
- Lão giáo là tôn giáo do Ðức Lão Tử lập ra và Ðức Lão Tử làm Giáo chủ.
- Khổng giáo là tôn giáo do Ðức Khổng Tử lập ra và Ðức Khổng Tử làm Giáo chủ.

Thích giáo dạy tín đồ tu thành Phật, nên Thích giáo cũng là Phật giáo, nhưng từ ngữ Phật giáo có nghĩa rộng hơn, vì Thích giáo là chỉ riêng về tôn giáo của Phật Thích Ca, còn Phật giáo là nói chung các tôn giáo mà giáo lý dạy tín đồ tu thành Phật.
Do đó, Bà La Môn giáo, Pythagore giáo, là thuộc về Phật giáo (hay Phật đạo), chớ không thuộc về Thích giáo.
Cho nên, bài Xưng Tụng Ðức Nhiên Ðăng Cổ Phật được gọi là bài Kinh Phật giáo thì sát nghĩa hơn.
Nhiên Ðăng Cổ Phật: Nhiên là đốt cháy, Ðăng là cây đèn, Cổ là xưa, Cổ Phật là vị Phật xưa.
Ðức Nhiên Ðăng Cổ Phật, gọi theo tiếng Phạn là Dipankara, dịch ra Hán văn là: Nhiên Ðăng Phật hay Ðính Quang Phật. (Ðính là cái chân đèn).

Kinh Trí Ðộ Luận viết: Như Nhiên Ðăng Phật, khi sanh ra, chung quanh thân sáng như đèn, cho nên gọi là Nhiên Ðăng Thái Tử. Khi tu thành Phật thì gọi là Nhiên Ðăng Phật, xưa gọi là Ðính Quang Phật.
Ðức Nhiên Ðăng Cổ Phật giáng sanh nơi nước Ấn Ðộ và mở Phật giáo tại đây vào thời Nhứt Kỳ Phổ Ðộ.

TNHT. I. 31: "Như kẻ bên Phật giáo tặng Nhiên Ðăng là Chưởng giáo, Nhiên Ðăng vốn sanh ra đời Hiên Viên Huỳnh Ðế.
Người ta gọi Thích Ca Mâu Ni là Phật Tổ, Thích Ca vốn sanh đời nhà Châu."

Theo Từ Ðiển Phật Học Việt Nam, Ðức Phật Thích Ca có một tiền kiếp là Tỳ Kheo Nho Ðồng. Nho Ðồng từng gặp và cúng hoa cho Ðức Phật Nhiên Ðăng. Nho Ðồng mua hoa ấy từ một cô gái với giá rất đắt. Cô gái hỏi vì sao Nho Ðồng lại chịu mua hoa với giá đắt như thế. Nho Ðồng trả lời là mua hoa để cúng Ðức Phật Nhiên Ðăng. Cô gái liền tặng không bó hoa với lời nguyện là Cô với Nho Ðồng sẽ kết duyên vợ chồng trong các kiếp sau.

Sa môn Nho Ðồng là tiền thân của Phật Thích Ca, cô gái bán hoa là tiền thân của Công Chúa Gia Du Ðà La (Yasodhara).
Theo Phật Học Từ Ðiển của Ðoàn Trung Còn thì: Ðức Phật Nhiên Ðăng có thọ ký cho Thiện Huệ Bồ Tát, phán rằng, về sau, Ngài Thiện Huệ Bồ Tát sẽ thành Phật hiệu là Thích Ca Mâu Ni.
Trong Vô Lượng Thọ Kinh, Phật phán với A Nan rằng: Về đời quá khứ, thuở xưa cách nay lâu xa vô lượng, chẳng có thể suy nghĩ bàn bạc được là bao nhiêu kiếp, Ðức Ðính Quang Như Lai (Nhiên Ðăng) xuất hiện ở thế, giáo hóa độ thoát vô lượng chúng sanh, đều đắc đạo, rồi Ngài mới diệt độ (nhập Niết Bàn).

Theo giáo lý của Ðạo Cao Ðài thì:
Ðức Nhiên Ðăng Cổ Phật là vị Phật xưa nhứt, đầu tiên hơn hết trong hằng hà sa số Phật trong CKVT nầy. Ngài được sanh ra từ thời Hỗn Ðộn, sau khi ngôi Thái Cực xuất hiện và trước khi tạo dựng Trời Ðất. Ngài giáng trần ở nước Ấn Ðộ, ứng vào thời vua Huỳnh Ðế bên Tàu, mở ra PG thời Nhứt Kỳ Phổ Ðộ. Ngài là Chưởng giáo Sơ Hội Long Hoa Thanh Vương Ðại Hội, điểm đạo các vị đắc quả trong Nhứt Kỳ Phổ Ðộ.

Ðức Nhiên Ðăng Cổ Phật hiện nay chưởng quản từng Trời Hư Vô Thiên, là từng Trời thứ 10, ở bên trên Cửu Trùng Thiên, nơi đó có Ngọc Hư Cung để họp Triều đình của Ðức Chí Tôn Thượng Ðế, thiết lập Thiên Ðiều cai trị CKTG.
Nối tiếp Ðức Nhiên Ðăng Cổ Phật thì có Ðức Phật Thích Ca giáng sanh nơi Ấn Ðộ, ứng vào thời nhà Châu bên Tàu, mở Phật giáo thời Nhị Kỳ Phổ Ðộ.

Chí tâm qui mạng lễ: Chí là ý chí, lòng mong muốn mạnh mẽ làm một việc gì, tâm là lòng, chí tâm là lòng phấn khởi đem hết tâm chí ra thực hiện. Qui là đem mình về, nương theo, mạng là mệnh lệnh, lễ là cúng lạy.
Chí tâm qui mạng lễ là cúng lạy với tất cả ý chí và tâm hồn, đem mình về vâng chịu nghe theo.

1. "Hỗn Ðộn Tôn Sư,
2. Càn Khôn Chủ Tể."

GIẢI NGHĨA
Câu 1: "Hỗn Ðộn Tôn Sư."
Hỗn Ðộn: Hỗn là lộn xộn không rõ ràng, Ðộn là lộn lạo với nhau. Hỗn Ðộn là thời kỳ mà các chất khí còn ở trạng thái lộn lạo với nhau, chưa phân thanh trược.

Tôn Sư: Vị thầy đáng kính. Tôn là kính trọng, Sư là thầy.
C.1: "Ðức Nhiên Ðăng Cổ Phật là vị thầy đáng kính, được sanh ra vào thời Hỗn Ðộn."

Thời Hỗn Ðộn ở đây là thời kỳ sau khi đã xuất hiện ngôi Thái Cực rồi, đến khi Thái Cực phân ra Lưỡng Nghi Âm Dương. Ðó cũng là thời Tiên Thiên, tức là thời kỳ trước khi tạo dựng Trời Ðất. (Xem lại Câu 20 KNHTÐ)

Như vậy, Ðức Ngọc Hoàng Thượng Ðế (Ngôi Thái Cực) được Khí Hư Vô hóa sanh ra trước, sau đó mới hoá sanh ra Ðức Nhiên Ðăng Cổ Phật.

Câu 2: "Càn Khôn Chủ Tể."
Càn Khôn: Hai quẻ trong Bát Quái, Càn chỉ Trời, Khôn chỉ Ðất. Càn Khôn là Trời Ðất, chỉ toàn thể vũ trụ bao la, nên thường nói là Càn Khôn Vũ Trụ.

Chủ Tể: Chủ là người đứng đầu cai quản và quyết định mọi việc trong phạm vi quyền hạn; Tể là đứng đầu. Chủ tể, còn đọc Chúa Tể là vị đứng đầu có quyền thống trị hết thảy.
C.2: "Ðức Nhiên Ðăng Cổ Phật là Ðấng Chúa Tể Càn Khôn Vũ Trụ."

Quyền hành nầy có được là do Ðấng Ngọc Hoàng Thượng Ðế giao phó cho Ngài. Ngài thay mặt Ðấng Thượng Ðế chưởng quản cả CKVT.

3. "Qui Thế giới ư nhứt khí chi trung."

GIẢI NGHĨA
Qui: Gom vào một chỗ. Thế giới: Càn Khôn Vũ Trụ của Ðức Chí Tôn Ngọc Hoàng Thượng Ðế gồm có Tam thiên Thế giới (3000 Thế giới) và Thất thập nhị Ðịa (72 Ðịa cầu). Chữ Thế giới trong câu kinh trên là chỉ 3000 Thế giới.

Ư: Ở tại. Nhứt Khí: Một chất khí nguyên thủy, đó là Hư Vô chi Khí. Chi: Tiếng đệm. Trung: Ở trong.
C.3: "Gom 3000 Thế giới vào trong một Khí Hư Vô."

4. "Ốc trần huờn ư song thủ chi nội."

GIẢI NGHĨA
Ốc: còn một âm nữa là Ác, nghĩa là nắm giữ, cầm giữ. Trần: Bụi bặm. Huờn: hay Hoàn là vùng đất lớn. Trần huờn hay Trần hoàn là chỉ các cõi trần, đó là các quả Ðịa cầu có nhơn loại ở. Có tất cả 72 Ðịa cầu (Thất thập nhị Ðịa) mà Ðịa cầu của nhơn loại chúng ta đang ở là Ðịa cầu số 68. (Xem trở lại Câu 18 và 19 KNHTÐ)

Ư: Ở tại. Song: Hai. Thủ: Tay. Song thủ là hai tay, hai tay: mặt và trái, nên Song thủ có hàm ý nói về Âm Dương: Khí Âm và Khí Dương.
Chi: Tiếng đệm. Nội: Trong, ở trong.
C.4: "Nắm giữ 72 Ðịa cầu vào trong hai bàn tay."

Tóm tắt 4 Câu kinh 1-2-3-4:
Ðức Nhiên Ðăng Cổ Phật là vị thầy đáng kính, được sanh ra vào thời Hỗn Ðộn, làm Chúa tể CKVT, tóm thâu 3000 Thế giới vào trong một Khí Hư Vô, nắm giữ 72 Ðịa cầu vào trong 2 bàn tay.

Chúng ta nhận thấy, Ðức Nhiên Ðăng Cổ Phật được Ðức Chí Tôn ban cho quyền hành thay mặt Ðức Chí Tôn cai quản CKVT hữu hình gồm: Tam thiên Thế giới (3000 Thế giới) và Thất thập nhị Ðịa (72 Ðịa cầu).

5. "Huệ đăng bất diệt,"
"chiếu Tam thập lục Thiên chi quang minh."

GIẢI NGHĨA
Huệ: Trí não sáng suốt, thường nói là Trí huệ. Ðăng: Cây đèn. Huệ đăng là cây đèn Trí Huệ, đốt lên để soi sáng, đẩy lui sự u mê vô minh. Huệ đăng là cây đèn Phật, đèn vô vi, đốt lên để soi sáng cái Tâm. Bất: Không. Diệt: Mất đi.

Bất diệt: Không mất, trường tồn mãi mãi.
Chiếu: Soi sáng. Tam thập lục Thiên: 36 từng Trời.
Chi: Tiếng đệm. Quang: Sáng. Minh: Sáng.
Quang minh: Sáng tỏ.
C.5: "Cây đèn trí huệ cháy hoài không tắt, rọi sáng 36 từng Trời."

Ðức Nhiên Ðăng Cổ Phật có cây đèn trí huệ cháy hoài không tắt, luôn luôn chiếu sáng 36 từng Trời. Cũng vì lẽ đó mà Ðức Phật ấy có hiệu là Nhiên Ðăng.

6 . Ðạo pháp trường lưu.
7 . Khai cửu thập nhị tào chi mê muội.

GIẢI NGHĨA
Câu 6: Ðạo pháp trường lưu.
Trường: Lâu dài. Lưu: Chảy, nước chảy. Trường lưu: Nước chảy hoài không dứt.

Ðạo pháp: Chánh pháp của Ðạo.
Về chữ ÐẠO, Ðức Chí Tôn có giảng giải như sau: "Ðạo, tức là con đường để cho Thánh, Tiên, Phật đọa trần do theo mà hồi cựu vị. Ðạo là đường của các nhơn phẩm do theo mà lánh khỏi luân hồi. Nếu chẳng phải do theo Ðạo thì các bậc ấy đều lạc bước mà mất hết ngôi phẩm. Ðạo, nghĩa lý rất sâu xa, nhưng phải hiểu trước bao nhiêu đó, rồi mới học các nghĩa huyền bí khác cho đích xác đặng." (TNHT. II. 3)
(Xem thêm: Giải nghĩa chữ ÐẠO trong Kinh Tiên giáo).

Về chữ PHÁP, ý nghĩa rất rộng. Bất kỳ việc chi, dù nhỏ dù lớn, hữu hình hay vô hình, tốt hay xấu, chơn thật hay hư ảo, đều có thể gọi là Pháp. Những nguyên tắc, những luật lệ, những qui luật trong CKVT, cũng được gọi là Pháp.
Thông thường, Giáo lý của Phật được gọi là Phật Pháp; thuyết giảng giáo lý được gọi là Thuyết pháp.
Tóm lại, Ðạo Pháp là Chánh Pháp của Ðạo. Ai tu đúng theo đó thì nhứt định đắc quả, giải thoát khỏi luân hồi.
C.6: "Ðạo pháp trường lưu là Chánh pháp của Ðạo như dòng nước chảy hoài không dứt."

Bất cứ vào thời kỳ nào, xưa cũng như nay, Chánh pháp của các nền tôn giáo mở ra như dòng nước chảy, liên tục mãi mãi, để giúp chúng sanh gội sạch bợn trần, cuốn trôi phiền não, tẩy sạch nghiệp chướng, rửa trí não vô minh ra sáng suốt, mà lần vào nơi Cực Lạc an nhàn, để mình vào chốn thanh cao, thoát khỏi cửa Luân hồi ràng buộc.

Câu 7: "Khai cửu thập nhị tào chi mê muội."
Khai: Mở ra. Cửu thập nhị: 92. Tào: Bọn, đám, nhóm người. Cửu thập nhị tào: Ý nói đám 92 ức Nguyên nhân đang còn trầm luân nơi cõi trần. Chi: Tiếng đệm. Mê muội: Mê là mơ hồ không rõ, muội là tối tăm. Mê muội là đầu óc tối tăm, không phân biệt chánh tà, thiệt giả, ...
Nguyên nhân: Những chơn linh được sanh ra từ lúc khai Thiên, được Ðức Phật Mẫu cho đi đầu thai làm người nơi cõi trần để khai hóa cho nhơn loại được tiến bộ văn minh.

Theo Triết lý Nhơn sinh của Ðạo Cao Ðài, với Luật Tiến Hóa của Bát Hồn, loài người đầu tiên xuất hiện trên mặt Ðịa cầu nầy là do loài động vật cao cấp khỉ vượn tiến hóa mà thành. Ðó là những Hoá nhơn, người khỉ, thủy tổ của loài người.
Do đó, người nguyên thủy có trí não còn rất ngu khờ, tánh tình còn hung ác, nếp sống còn dã man, ăn lông ở lỗ.

Lúc đó, Ðức Phật Mẫu vâng lịnh Ðức Chí Tôn cho 100 ức Nguyên nhân đầu thai xuống cõi trần, để khai hóa đám Hóa nhân đó, đồng thời cũng để kinh nghiệm và tiến hóa.

Nhưng các Nguyên nhơn, khi đã mang xác phàm rồi, thì lại nhiễm trần, quên nguồn gốc và nhiệm vụ đã nhận lãnh lúc đi đầu thai, lại còn gây ra lắm tội lỗi nơi cõi trần, nên phải bị đọa luân hồi.

Ðức Chí Tôn thấy vậy mới động mối từ tâm, mở ra Nhứt Kỳ Phổ Ðộ, để cứu giúp và dẫn dắt các Nguyên nhân trở về cựu vị. Nhưng Nhứt Kỳ Phổ Ðộ chỉ độ được 6 ức Nguyên nhân. (Ức là 100 000 ; 6 Ức là 600 000 người).

Ðức Chí Tôn lại mở Nhị Kỳ Phổ Ðộ, gồm Tam giáo (Nho, Thích, Ðạo) và Ngũ Chi Ðại Ðạo để giáo hóa nhơn sanh tu hành, nhưng cuối cùng cũng chỉ độ được 2 ức Nguyên nhân trở về cựu vị.
Như vậy, cả 2 thời kỳ Phổ Ðộ, Ðức Chí Tôn chỉ độ được 8 ức Nguyên nhân, còn lại 92 ức nguyên nhân vẫn đang chìm đắm nơi cõi trần.

Ðức Chí Tôn lại mở lòng Ðại từ Ðại bi lần thứ ba và cũng là lần chót, trước khi xảy ra Ðại cuộc Tận Thế và Hội Long Hoa, để chấm dứt Hạ Nguơn Tam Chuyển, bước vào Thượng Nguơn Tứ Chuyển, và lần nầy, chính mình Ðức Chí Tôn đứng ra mở ÐÐTKPÐ và đồng thời cũng mở ra Ðại Ân Xá Kỳ Ba, quyết độ cho hết 92 ức nguyên nhân trở về cựu vị.
Do đó, Ðức Nhiên Ðăng Cổ Phật được Ðức Chí Tôn giao nhiệm vụ mở cuộc giáo hóa các nguyên nhân còn đang mê muội nơi cõi trần.
C.7: "Ðức Nhiên Ðăng Cổ Phật khai hóa đám 92 ức Nguyên nhân đang còn mê muội nơi cõi trần."

8. "Ðạo cao vô cực."
9. "Giáo xiển hư linh."

GIẢI NGHĨA
Câu 8: Ðạo cao vô cực.

Ðạo: Ðạo pháp. (Xem Câu 6: Ðạo pháp trường lưu).
Cao: Ở trên cao. Vô: Không. Cực: Chỗ đầu cùng.
Vô cực: Không có cuối cùng, tức là không cùng tận.
C.8: Ðạo pháp cao siêu không cùng tận.

Câu 9: "Giáo xiển hư linh."
Giáo: Dạy. Xiển: Mở rộng ra, làm sáng tỏ thêm. Hư: Trống không. Linh: Thiêng liêng mầu nhiệm.
Giáo xiển là dạy rộng ra cho biết rõ thêm.
Hư linh: Cõi không không trên thượng từng không khí, thấy trống không mà rất thiêng liêng mầu nhiệm.
C.9: "Dạy rộng ra cho biết rõ thêm về cõi Hư linh."

Khi mắt phàm ta không thấy gì cả, ta bảo đó là trống không. Nói như thế là tương đối, vì mắt phàm chỉ nhìn thấy một số ánh sáng hạn hẹp mà thôi, từ ánh sáng Tím đến ánh sáng Ðỏ. Còn tia Tử ngoại (Cực tím) hay tia Hồng ngoại thì mắt ta không nhìn thấy được. Ngoài ra, mắt ta cũng không thể thấy được các vật quá bé nhỏ như con vi trùng, huống chi là thấy được các nguyên tử hay điện tử.

Khoa học ngày nay chứng minh cho biết nhiều cái hiện hữu có thật, hữu hình hữu thể mà mắt ta không thể thấy được.
Nói một cách tuyệt đối thì không có cái gì là trống không cả, chỉ có điều là mắt ta thấy hay không thấy mà thôi. Tuy nhiên, với cặp mắt thiêng liêng (Huệ nhãn hay Thiên nhãn) thì mọi vật đều rất rõ ràng.

10. "Thổ khí thành hồng
   nhi nhứt trụ xang Thiên."

GIẢI NGHĨA
Thổ: Phun ra, thổi ra. Khí: Chất khí. Thành: Làm nên. Hồng: Cái cầu vòng, cái móng trời. Nhi: Mà, tiếng dùng để chuyển ý. Nhứt trụ: Một cây cột.
Xang: còn một âm nữa là XANH, nghĩa là chống đỡ, chống vững. Thiên: Trời.
C.10: "Thổi ra một chất khí biến thành cái móng, làm như một cây cột chống vững bầu trời."
Câu kinh nầy ngụ ý nói về quyền pháp mầu nhiệm và cao siêu của Ðức Nhiên Ðăng Cổ Phật.

11 . "Hóa kiếm thành xích
nhi tam phân thác Ðịa."

GIẢI NGHĨA
Hóa: Biến thành. Kiếm: Cây gươm, cây kiếm. Thành: Làm nên. Xích: Cây thước. Nhi: Mà, tiếng dùng để chuyển ý. Tam phân: 3 phân của cây thước.
Thác: Nâng, dùng 2 tay nâng một vật. Ðịa: Ðất.
Thác Ðịa: là nâng đỡ giềng Ðất.
C.11: "Biến cây kiếm thành cây thước, mà 3 phân đủ đỡ vững giềng Ðất."

Câu kinh nầy cũng nói lên cái quyền pháp vô biên của Ðức Nhiên Ðăng Cổ Phật.
Nói về Phép Luyện Ðạo, hai câu Kinh 10 và 11 có ý nghĩa luyện cho Hậu Thiên biến thành Tiên Thiên, tức là luyện cho hữu hình trở về vô hình, tức là Huờn Hư, đắc đạo.
* Thổ khí thành hồng nhi nhứt trụ xang Thiên, câu nầy có hàm ý nói quẻ LY của Hậu Thiên Bát Quái biến thành quẻ CÀN của Tiên Thiên Bát Quái, gọi là ÐIỀN LY:

Quẻ LY có một vạch đứt ở giữa, điền thêm vào chỗ trống của vạch đứt đó thì nó trở thành vạch liền, và quẻ LY biến thành quẻ CÀN, mà Càn tượng trưng cho Trời.
Hóa kiếm thành xích nhi tam phân thác Ðịa, có hàm ý nói quẻ KHẢM của Hậu Thiên Bát Quái biến thành quẻ KHÔN của Tiên Thiên Bát Quái, gọi là CHIẾT KHẢM:

Quẻ KHẢM  có một vạch liền ở giữa, nếu chặt cho nó đứt ra làm hai đoạn thì ta được quẻ KHÔN  có 3 vạch đều đứt đoạn, mà Khôn tượng trưng cho Ðất.
Khi đã CHIẾT KHẢM và ÐIỀN LY thì Hậu Thiên Bát Quái biến thành Tiên Thiên Bát Quái. Luyện được như vậy thì đắc đạo.

12. "Công tham Thái Cực."

GIẢI NGHĨA
Công: Nỗi vất vả khó nhọc làm nên việc. Tham: Góp mặt vào, tham dự. Thái cực: chỉ Ðức Chí Tôn.
C.12: "Ðức Nhiên Ðăng Cổ Phật góp công cùng Ðức Chí Tôn."
Ðức Chí Tôn nắm cơ Tạo Hóa, Ðức Nhiên Ðăng Cổ Phật nắm cơ Giáo Hóa. Cái công Giáo hóa cũng bằng cái công sanh hóa. (TNHT: Cái công giáo hóa cũng đồng sanh.)

13. "Phá nhứt khiếu chi Huyền quan,
   Tánh hiệp vô vi."

GIẢI NGHĨA
Phá: Làm vỡ ra. Nhứt: Một. Khiếu: Cái lỗ hổng. Chi: Tiếng đệm. Huyền: Sâu kín, huyền diệu. Quan: Cái cửa ải.

Nhứt khiếu chi huyền quan: Một cái Khiếu Huyền quan, tức là một cái lỗ sâu kín làm cửa ải trong thân thể con người, nó ngăn lại, khó mở ra được, làm cho con người mê muội vô minh. Tu luyện là cốt để khai thông cái cửa ải nầy. Khiếu Huyền Quan nầy mà được mở hoát ra thì đắc đạo.

Trong Kinh Huyền Diệu Cảnh, tác giả Ly Trần Tử viết rằng:
"Trong mấy khiếu duy có một cái Khiếu Huyền Quan là Chúa tể. Ví dụ Huyền Quan là vua một nước, Tam quan Tam điền tỷ như Lục Bộ Thượng Thơ, 9 Khiếu kia phía trước phía sau ví như quan văn tướng võ, những cái lỗ nhỏ chơn lông ví như muôn dân. Nếu như chẳng có Khiếu Huyền Quan thì cũng như nước không vua, nhà không chủ, dân chúng phải điêu đứng khổ sở.

Thân con người mà không có Khiếu Huyền Quan thì cái thân không chủ, tức nhiên Thần phải mệt, Khí phải bị hại, ắt bị mê muội theo tửu điếm thanh lâu, thì làm sao sống lâu cho được, vì Tinh Khí Thần hao mòn lần lần.

Người tu luyện phải đem hết Chơn tâm Thực ý (Lòng ngay ý thiệt) mà luyện cho đến lúc hư cực. Ðược như vậy cũng như cái cây trăm thước mà mình đã leo đến mức chót, nhưng phải rán lên cao hơn nữa thì Huyền Quan Nhứt Khiếu mới tự nhiên xuất hiện.

Huyền Quan màu như sương tuyết. Luyện Huyền Quan hóa ra Kim Ðơn, hơi nó đỏ như màu châu sa, hơi nó sáng chói như màu thủy ngân. Nó không chân mà đi được, không hình mà động được, hễ tụ thì có, tán thì không còn, nên Huyền Quan Kim Ðơn hiện ra hay ẩn ẩn, thiệt là mầu nhiệm, không thể tả hết được."

Cho nên có câu: "Thiên đắc nhứt dĩ thanh, Ðịa đắc nhứt dĩ ninh, Nhơn đắc nhứt dĩ Thánh." (Trời được một thì trong, Ðất được một thì yên, Người được một thì thành Thánh). Ðược một đó là được một Khiếu Huyền Quan, được món Kim Ðơn.

Kinh Kim Cang: Nhứt hiệp tướng bất khả thuyết. Nghĩa là: Âm Dương hiệp lại thành Kim đơn, khó tả khó nói cho rõ được.
Sách Ðại Học: Chí thiện chi Ðịa. Nghĩa là: Chỗ đất tốt hơn hết, không chi bì kịp.
Kinh Dịch nói: Huỳnh trung thông lý. Nghĩa là: Giữa Huỳnh Ðình thì thông lẽ nhiệm mầu.
Ðó là những tên đặt ra cho nhiều, kể chẳng hết, chớ chung cuộc cũng chỉ cái Huyền Quan Nhứt Khiếu ấy mà thôi."

Ngài Bảo Pháp Nguyễn trung Hậu, trong sách THIÊN ÐẠO của Ngài, có giải về Huyền Quan Khiếu, trang 125-126, như sau:
"Người tu hành, chừng nào luyện Tinh hóa Khí, luyện Khí hóa Thần, luyện Thần huờn Hư, luyện Hư huờn Vô, thì Huyền Quan Nhứt Khiếu ấy mở hoát ra.
Huyền Quan Nhứt Khiếu ấy là chi? Là Thiên Nhãn vậy. Nó ở ngay Nê Hoàn Cung, gom trọn Chơn Dương chánh đạo. . . .
Khi Tâm người đi đến chỗ Hư không rồi, thì Huyền Quan Nhứt Khiếu được mở hoát ra, tức là Thiên Nhãn đó, ấy là ngôi Thái Cực. Chừng ấy, sự hiểu biết không lo nghĩ mà biết, không học tập mà hay. Cái biết đó vốn có sẵn từ mấy kiếp trước, nay nhờ tu tỉnh mà được xuất hiện ở kiếp nầy, nhà tôn giáo gọi là Phát Huệ."

Tánh hiệp vô vi: Hiệp là hợp lại, Vô vi là không làm, nghĩa thường dùng là vô hình vô ảnh nhưng rất huyền diệu.

TÁNH: Theo Phật giáo, Tánh là cái bản thể chơn thật của mình vốn sáng suốt, an lạc, trong lặng. Tánh là cái nguyên lý chẳng dời đổi, chẳng tiêu mất như: Thiện tánh, Phật tánh.

Theo Thiền Tông thì cái Bổn lai Tự Tánh của ta tức cái Bổn lai Diệu giác Chơn tâm, cũng là cái Bổn lai Diện Mục.

Ðức Lục Tổ Huệ Năng nói kệ về Tánh:
Nào dè Tánh mình vốn tự nhiên trong sạch,
Nào dè Tánh mình chứa đầy đủ muôn Pháp,
Nào dè Tánh mình vốn không lay động,
Nào dè Tánh mình có thể sanh ra muôn Pháp.

Nếu chẳng biết Bổn Tâm thì học Pháp vô ích, bằng biết Bổn Tâm và thấy Bổn Tánh mình, tức gọi là Phật.

Trong Ðạo Cao Ðài, Ðức Phạm Hộ Pháp thuyết đạo giảng về Tâm và Tánh:
"Nhà Nho nói: Tánh tự Tâm sanh. (Cái Tánh từ cái Tâm sanh ra). Ðó là lý thuyết của Ðạo Nho. Chỉ biết có một điều là ta quan sát có thể thấy hiện tượng mà tả trạng hình được, vì Ðạo Nho chưa phải là một tôn giáo huyền bí.

Còn Ðức Chí Tôn dạy ta biết rằng: Tánh là chơn tướng của Chơn Thần, còn Tâm là chơn tướng của Chơn linh.

Ðức Chí Tôn dạy: Tánh của mỗi chúng ta là hình thể thứ nhì của ta. Hình thể thứ nhứt là Tâm, tức Chơn linh; thứ nhì là Tánh tức Chơn Thần; thứ ba là xác phàm thú chất nầy.

Ðức Chí Tôn hỏi: Tại sao từ trước đến giờ, theo Triết lý Ðạo Nho lấy nghĩa "Tánh tự Tâm sanh" mà tả ra? Bởi vì nó liên quan mật thiết cùng nhau. Trong Tâm mình như thế nào thì xuất Tánh ra y như vậy. Nhà Nho thấy hiện tượng mà đặt tên, còn Ðức Chí Tôn chỉ rõ cho biết: Chơn thần cũng tấn bộ như Chơn linh. Mỗi cá nhân đều có 2 năng lực ấy, có đủ quyền năng đào tạo ra hình hài xác thịt ta. Một Chơn linh cao trọng tự nhiên có một Chơn thần cao trọng."

Tánh hiệp vô vi là đem Tánh hiệp với Hư Vô, tức là huờn Hư. Nói cách khác, luyện Chơn thần huờn Hư (vì Tánh là Chơn thần), Tinh Khí Thần hiệp nhứt, đắc đạo.
C.13: "Khai phá một Khiếu Huyền Quan cho thông suốt thì cái Tánh được huờn Hư, tức là Tinh Khí Thần hiệp nhứt, tạo được Chơn thần huyền diệu, đắc đạo."

14. "Thống Tam Tài chi bí chỉ."

GIẢI NGHĨA
Thống: Trông coi bao gồm tất cả. Tam Tài: 3 Tài là Thiên, Ðịa, Nhơn (Trời, Ðất, Người). Chi: Tiếng đệm.

Bí: Kín đáo, bí mật. Chỉ: Ý định, ý chỉ, ý hướng.
Bí chỉ: Ý chỉ bí mật, ý chỉ nhiệm mầu.
C.14: "Chưởng quản cả Tam Tài: Thiên, Ðịa, Nhơn, trong một ý chỉ nhiệm mầu."
Ý nói: Ðức Nhiên Ðăng Cổ Phật chỉ dùng tư tưởng mà thống quản cả CKVT và vạn vật.

15 . "Ða thi huệ trạch,
Vô lượng độ nhơn."

GIẢI NGHĨA
Ða: Nhiều. Thi: Làm, thi hành, sắp đặt làm ra. Huệ: Ơn huệ, cái ơn làm cho người khác. Trạch: Ơn huệ.
Ða thi huệ trạch: Nhiều lần ban bố ơn huệ.
Vô: Không. Lượng: Ðo lường, số lượng. Ðộ: Cứu giúp. Nhơn: Người.
Vô lượng độ nhơn: Cứu giúp người đời nhiều không kể hết.
C.15: Nhiều lần ban bố ơn huệ cho nhơn sanh, cứu giúp người đời nhiều không kể hết.

16. "Ðại bi, Ðại nguyện,
 Ðại Thánh, Ðại từ."
 

GIẢI NGHĨA
Ðại: Lớn. Bi: Lòng trắc ẩn thương cảm các cảnh khổ não của chúng sanh, lúc nào cũng muốn cứu vớt chúng sanh ra khỏi phiền não và tai họa. Ðại bi là Ðức bi lớn.

Nguyện: Lời thề hứa chắc với bản thân mình để mình cố gắng thực hiện cho kỳ được mới nghe. Ðại nguyện là lời nguyện lớn. Phật vì thương xót chúng sanh, nên mỗi vị đều có phát ra lời Ðại nguyện:

- Ðức Phật A-Di-Ðà có phát ra 48 lời Ðại nguyện.
- Ðức Quan Âm Bồ Tát có phát ra 12 lời Ðại nguyện.
- Ðức Ðịa Tạng Vương Bồ Tát có phát ra lời Ðại nguyện là: Cứu độ hết các chơn hồn tội lỗi nơi cõi U Minh.
Ðại Thánh: Ðức Thánh lớn. Từ: Lòng thương yêu của người trên đối với kẻ dưới, lòng thương yêu của Phật đối với chúng sanh. Ðại từ là Ðức từ lớn.

Sách Dưỡng Tử có câu: "Phật ái chúng sanh như mẫu ái tử." Nghĩa là: Phật thương chúng sanh như mẹ thương con.

17. "Tiên Thiên Chánh Ðạo,
Nhiên Ðăng Cổ Phật."
18. "Vô Vi Xiển Giáo, Thiên Tôn. "

Lạy 3 lạy, mỗi lạy 3 gật, mỗi gật niệm:
Nam mô Nhiên Ðăng Cổ Phật Ðại Bồ Tát Ma Ha Tát

GIẢI NGHĨA
Câu 17: "Tiên Thiên Chánh Ðạo, Nhiên Ðăng Cổ Phật"
Tiên Thiên: Trước khi tạo dựng Trời Ðất. (Xem giải nghĩa Câu 20 KNHTÐ). Chánh Ðạo: Ðạo chơn chánh.
Tiên Thiên Chánh Ðạo: Cái Ðạo chơn chánh có trước Trời Ðất. (Xem giải thích chi tiết chữ Ðạo trong phần Giải Nghĩa Kinh Tiên giáo).
C.17: "Cái Ðạo chơn chánh có trước Trời Ðất, Ngài là Ðức Nhiên Ðăng Cổ Phật, vị Phật xưa nhứt."

Câu 18: "Vô Vi Xiển Giáo, Thiên Tôn."
Vô Vi: Không hình ảnh, không sắc tướng. Trái với Vô Vi là Hữu hình. (Xem giải thích chi tiết trong phần Giải Nghĩa Kinh Tiên giáo). Xiển: Mở rộng ra, làm sáng tỏ thêm. Giáo: Dạy. Xiển Giáo: Dạy cho sáng tỏ, hiểu biết rõ ràng.

Thiên Tôn: Nghĩa đen là được tôn kính nơi cõi Trời, nhưng ở đây là chỉ phẩm tước do Ðức Chí Tôn phong thưởng. Ðức Chí Tôn là Ðại Thiên Tôn. Ðức Chí Tôn phong thưởng cho các Ðấng khác là Thiên Tôn.
C.18: "Ðức Nhiên Ðăng Cổ Phật là một Ðấng Thiên tôn, dạy cho sáng tỏ Ðạo Vô Vi."

CHÚ Ý: Không nên lầm lộn chữ Xiển giáo trong bài Kinh Phật giáo nầy với chữ Xiển giáo trong Truyện Phong Thần.
Trong Truyện Phong Thần, Xiển giáo là Chánh đạo, đối nghịch với Triệt giáo là Tả đạo Bàng môn.
Xiển giáo do Ðức Nguơn Thủy làm Giáo Chủ, còn Triệt giáo do Ðức Thông Thiên làm Giáo Chủ. Cả hai vị đều là học trò của Ðức Hồng Quân Lão Tổ.

TÓM TẮT GIẢI NGHĨA KINH PHẬT GIÁO
KINH: GIẢI NGHĨA:
1. Hỗn Ðộn Tôn Sư. Ðức Nhiên Ðăng Cổ Phật là vị thầy đáng kính, được sanh ra vào thời Hỗn Ðộn.
2 . Càn Khôn Chủ Tể. Ngài làm Chúa Tể CKVT.
3 . Qui Thế giới ư nhứt khí chi trung.       Gom 3000 Thế giới vào trong một Khí Hư Vô.
4 . Ốc trần huờn ư song thủ chi nội. Nắm giữ 72 Ðịa cầu vào trong hai bàn tay.
5 . Huệ đăng bất diệt chiếu Tam thập lục Thiên chi quang minh. Ðèn trí huệ cháy hoài không tắt, rọi 36 từng Trời cho sáng tỏ.
6 . Ðạo pháp trường lưu. Ðạo pháp như dòng nước chảy hoài không dứt.
7 . Khai cửu thập nhị tào chi mê muội.    Khai hóa 92 ức nguyên nhân còn đang mê muội nơi cõi trần.
8 . Ðạo cao vô cực. Ðạo pháp cao siêu không cùng tận.
9 . Giáo xiển Hư linh. Dạy cho biết rõ cõi Hư linh.
10 . Thổ khí thành hồng nhi nhứt trụ  xang Thiên Thổi ra một chất khí biến thành cái móng trời, làm một cây cột, chống vững bầu trời.
11 . Hoá kiếm thành xích nhi tam phân thác Ðịa. Biến cây kiếm thành cây thước mà 3 phân đỡ vững giềng Ðất.
12 . Công tham Thái Cực. Ðức Nhiên Ðăng Cổ Phật góp công cùng Ðức Chí Tôn.
13 . Phá nhứt khiếu chi Huyền quan, Tánh hiệp vô vi.     Khai phá cho thông suốt một khiếu Huyền quan, để cho Chơn thần huờn Hư.(đắc đạo).
14 . Thống Tam Tài chi bí chỉ.     Chưởng quản Tam Tài: Thiên, Ðịa,Nhơn, trong ý chỉ nhiệm mầu.
15 . Ða thi huệ trạch,
Vô lượng độ nhơn. Nhiều lần ban bố ơn huệ,
Cứu giúp người đời nhiều không kể hết.
16. Ðại bi, Ðại nguyện,
Ðại Thánh, Ðại từ. Ðức bi lớn, Lời nguyện lớn,
Ðức Thánh lớn, Ðức từ lớn.
17 . Tiên Thiên Chánh Ðạo,
Nhiên Ðăng Cổ Phật. Ðạo chánh có trước Trời Ðất.
Ngài là Ðức Nhiên Ðăng Cổ Phật.
18. Vô Vi Xiển Giáo, Thiên Tôn. Dạy dỗ cho sáng tỏ Ðạo Vô Vi, Ngài là Ðấng Thiên Tôn.
(Lạy 3 lạy, mỗi lạy 3 gật, mỗi gật niệm:
Nam mô Nhiên Ðăng Cổ Phật Ðại Bồ Tát MaHa Tát)
1 ]  2 ]  3 ]  4 ]  5 ]  6 ]  7 ]  8 ]  9 ]  10 ]  11 ]  12 ]  13 ]  14 ]  15 ]  16 ]  17 ]  18 ]  19 ]  20 ] [ 21 ]  22 ]  23 ]  24 ]  25 ]  26 ]  27 ]  28 ]  29 ]  30 ]  31 ]  32 ]  33 ]  34 ]  35 ]  36 ]  37 ]  38 ]  39 ]  40 ]  41 ]  42 ]  43 ]  44 ]  45 ]  46 ]  47 ]  48 ]  49 ]  50 ]  51 ]  52 ]  53 ]  54 ]  55 ]  56 ]  57 ]  58 ]  59 ]  60 ]  61 ]  62 ]  63 ]

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét