KINH KHAI CỬU ÐẠI TƯỜNG
& TIỂU TƯỜNG (Giọng Nam xuân)
1. "Ðã quá chín từng Trời đến vị.
2. Thần đặng an, Tinh Khí cũng an.
3. Tầng Trời gắng bước lên thang.
4. Trông mây nhìn lại cảnh nhàn buổi xưa.
5. Cõi thảm khổ đã vừa qua khỏi.
6. Quên trần ai, mong mỏi Ðộng Ðào.
7. Ngó chi khổ hải sóng xao,
8. Ðoạn tình yểm dục đặng vào cõi Thiên.
9. Giọt lụy của Cửu Huyền dầu đổ,
10. Chớ đau lòng thuận nợ trầm
luân.
11. Nắm cây huệ kiếm gươm thần,
12. Dứt tan sự thế nợ trần từ đây."
GIẢI NGHĨA
Kinh Khai Cửu, Ðại Tường
và Tiểu Tường do Ðức Quan Âm Bồ Tát giáng cơ ban cho để đồng nhi tụng mở đầu
trước khi tụng Kinh Tuần Cửu, Kinh Tiểu Tường hay Ðại Tường.
Tuần Cửu: Tuần là khoảng
thời gian đều đặn gồm nhiều ngày, Cửu là 9. Tuần Cửu là khoảng thời gian 9
ngày.
Một tín đồ Cao Ðài khi
chết, được thân nhân làm Tuần Cửu tại Thánh Thất sở tại, với một nghi thức đặc
biệt ấn định trong Nghi Lễ của Ðạo Cao Ðài.
Cứ sau khi chết được 9
ngày thì thân nhân đến Thánh Thất sở tại làm Tuần Nhứt Cửu, rồi tiếp theo đếm 9
ngày nữa thì làm Tuần Nhị Cửu, vv., cho đến Tuần Cửu Cửu mới chấm dứt Tuần Cửu,
tổng cộng là 81 ngày.
(Phật giáo thì làm Tuần
Thất [Tuần 7 ngày], sau khi chết được 7 ngày thì làm Tuần Thất thứ nhứt, sau 7
ngày nữa thì làm Tuần Thất thứ nhì, vv. và tiếp tục đến Tuần Thất thứ bảy là
chấm dứt, tính chung là 49 ngày).
Tuần nhứt Cửu: Ngày chết
được kể là 1, đếm tới ngày thứ 9 thì làm Tuần Nhứt Cửu tại Thánh Thất sở tại,
tụng Kinh Ðệ Nhứt Cửu.
Tuần Nhị Cửu: Tiếp tục đếm
tới ngày thứ 18 thì làm Tuần Nhị Cửu, cũng làm tại Thánh Thất sở tại, tụng bài
Kinh Ðệ Nhị Cửu.
vv . . . . . . . . . . . .
.
Tuần Cửu Cửu: Tiếp tục đếm
tới ngày thứ 81 thì làm Tuần Cửu Cửu, là kỳ chót hết, nên gọi là Chung Cửu,
cũng làm tại Thánh Thất sở tại y như 8 kỳ Cửu trước và tụng bài Kinh Ðệ Cửu
Cửu.
Tiểu Tường: Tiểu là nhỏ,
Tường là tốt lành. Tiểu Tường là điều tốt lành nhỏ. Ðại Tường là điều tốt lành
lớn.
Trong nhà có tang, cả nhà
đều đau buồn thương xót tưởng nhớ người quá cố. Nhưng thời gian lâu dần xoa dịu
nỗi đau thương, cái buồn bớt dần, đem lại cái vui như một điều lành, điều tốt .
Vì vậy, Tiểu Tường cũng là Tiểu Kiết Tường.
Theo Tân Luật của Ðạo Cao
Ðài, hôm sau ngày làm Tuần Cửu Cửu, bắt đầu đếm 1, đếm tới ngày thứ 200 thì làm
Lễ Tiểu Tường, cũng làm tại Thánh Thất sở tại, tụng bài Kinh Tiểu Tường.
Ðại Tường: Hôm sau ngày
làm Tiểu Tường, bắt đầu đếm 1, đếm tới ngày thứ 300 thì làm Lễ Ðại Tường. Tới
Ðại Tường là mãn tang, làm Lễ Trừ Phục (đốt áo tang và khăn tang).
Tính từ ngày chết đến ngày
Lễ Ðại Tường mãn tang là 581 ngày, tức khoảng 1 năm 7 tháng rưỡi, chưa tới 2
năm.
Câu 1: "Ðã quá chín
từng Trời đến vị."
Chín từng Trời: Cửu Trùng
Thiên. (Xem chi tiết nơi Câu 8 bài Niệm Hương). Phía trên 9 từng Trời, là từng
Trời thứ 10, gọi là Hư Vô Thiên, có cõi Cực Lạc Thế Giới, là nơi hoàn toàn an
vui sung sướng. Ðã quá 9 từng Trời: Ðã đi qua được 9 từng Trời, tức là đến được
từng Trời thứ 10 có cõi CLTG.
Vị: Ngôi vị. Ðến vị: Ðến
chỗ đặt ngôi vị của mình.
C.1: "Ðã qua khỏi Chín từng Trời (Cửu Trùng Thiên) thì đến cõi CLTG là
nơi có ngôi vị cũ của mình."
Câu 2: "Thần đặng an, Tinh
Khí cũng an."
Thần, Tinh,
Khí: Ðây là Tam bửu của con người. Tinh là Thể xác, Khí là Chơn thần, Thần là
Chơn linh hay Linh hồn.
C.2: "Người chết rồi thì Thể xác nằm yên trong lòng đất, còn Chơn thần
và Chơn linh được các Ðấng Thiêng liêng cứu giúp nên cũng được yên ổn."
Câu 3: "Tầng Trời gắng bước lên thang."
Các từng Trời từ thấp dần
dần lên cao như những nấc thang, Chơn thần cố gắng bước lên.
Câu 4: "Trông mây nhìn lại cảnh nhàn buổi xưa."
Trông thấy các lớp mây thì
nhìn lại cái cảnh thong dong nhàn hạ thuở xưa, lúc còn ở cõi TL, chưa đầu kiếp
xuống trần.
Câu 5: "Cõi thảm khổ đã vừa qua khỏi."
Cõi thảm khổ là cõi trần,
Chơn thần đã vừa thoát ra khỏi cõi trần.
Câu 6: "Quên trần ai,
mong mỏi Ðộng Ðào."
Trần ai: Trần là bụi bặm, ai là bụi. Trần ai là
chỉ cõi trần, cõi của nhơn loại đang sống, vì cõi nầy có nhiều bụi bặm ô trược. Ðộng Ðào: chỉ cõi Tiên. (Xem Ðiển tích C.5
KKV)
C.6: "Quên đi cõi trần đầy bụi bặm ô trược nầy, hãy mong mỏi đi lên cõi
Tiên."
Câu 7-8: "Ngó chi khổ hải sóng xao,"
"Ðoạn tình yểm
dục đặng vào cõi Thiên."
Ngó chi: Nhìn làm chi. Khổ
hải: Biển khổ, chỉ cõi trần. Sóng xao: Những làn sóng xao động trên mặt nước.
Ðức Phạm Hộ Pháp thuyết
đạo Con đường Thiêng liêng Hằng sống, có đoạn nói về Khổ hải sóng xao:
"Chúng ta dòm phía dưới thấy đại hải mênh mông,
nước cuồn cuộn xanh như biếc, sóng dợn ba đào, mỗi làn sóng có đề chữ KHỔ,
chúng ta chia ra đi trên ấy, chúng ta thấy dợn hào quang nổi lên dữ tợn lắm,
mấy chữ lớn là: Sanh, Lão, Bệnh, Tử, làn sóng dợn lên rồi hạ xuống, mỗi làn đều
có một chữ KHỔ. Chúng ta thấy đau khổ trong buổi sanh, thấy làn sóng rồi chúng
ta thấy khổ nhục, khổ dữ lắm, mỗi làn sóng đều thấy khổ, thử nghĩ đại hải như
thế nào thì khổ hải là cả nước chúng ta như thế ấy."
Ðoạn tình: Ðoạn là cắt
đứt, tình là các thứ tình cảm của con người. Con người có Thất Tình: Hỷ (mừng),
Nộ (giận), Ái (thương), Ố (ghét), Ai (buồn), Lạc (vui), Dục (muốn). Ðoạn tình
là cắt đứt các thứ tình cảm.
Yểm dục: Yểm là đè nén,
dục là ham muốn. Con người có Lục Dục, tức là 6 thứ ham muốn, kể ra: Sắc dục
[ham muốn sắc đẹp], Thinh dục [ham muốn âm thanh êm tai], Hương dục [ham muốn
mùi thơm],Vị dục [ham muốn ăn ngon], Xúc dục [ham muốn da thịt mát mẻ], Ý dục
[ham muốn được thỏa mãn ý nghĩ]. Yểm dục là đè nén lòng ham muốn. Lòng ham muốn
là của xác thịt nên có xu hướng về đường vật chất, xúi giục con người làm điều
sái quấy để nó được thỏa mãn. Cho nên cần phải đè nén lòng dục, và cần chuyển
hóa nó vào đường cao thượng.
C.7-8: "Ngó chi khổ hải sóng xao, Ðoạn tình
yểm dục đặng vào cõi Thiên, nghĩa là: Ðừng nhìn biển khổ đang dợn sóng ba đào,
hãy cắt lìa các thứ tình cảm và đè nén lòng ham muốn thì mới vào được cõi Trời"
(cõi TLHS).
Con người có Thất Tình và
Lục Dục. Chúng là mối loạn hằng ngày trong tâm trí. Con người vì bị Thất Tình
Lục Dục khiến sai mà hao tổn tinh thần, tiêu mòn khí phách. Chúng luôn luôn xô
đẩy con người vào hang sâu vực thẳm.
Làm người phải lập chí cao
thượng, đừng để Thất Tình cám dỗ, Lục Dục khiến sai, mình phải có ý chí cương
quyết mạnh mẽ làm chủ nó, hướng dẫn nó vào đường đạo đức, chớ đừng yếu ớt lôi
thôi, mới mong đắc đạo, bước vào Tiên cảnh.
Câu 9-10: "Giọt lụy của Cửu
Huyền dầu đổ,"
"Chớ đau lòng thuận nợ trầm luân."
Giọt lụy: Giọt nước mắt,
chỉ sự đau khổ thương tiếc.
Cửu huyền: Theo nghĩa
thông thường thì Cửu Huyền là Tổ Tiên 9 đời trước mình, sanh ra dòng họ nhà
mình. Thờ Cửu Huyền là ý nói mình thờ Tổ Tiên 9 đời trước mình. (Xem chi tiết:
Cửu Huyền Thất Tổ, C.20 Kinh Cầu Tổ Phụ Ðã Qui Liễu)
Nhưng trong Câu Kinh nầy:
Giọt lụy của Cửu Huyền dầu đổ, là ý nói những người thân yêu đang chảy nước mắt
khóc than thương tiếc cho cái chết của người thân, như thế thì Cửu Huyền ở đây
là chỉ những người thân thiết đang còn sống, đang còn hiện tiền, mới khóc than
trước cái chết của người thân yêu.
Do đó, theo hướng nầy,
chúng ta giải thích chữ Cửu Huyền là Cửu Tộc, bởi vì Bổn thị Cửu Tộc tức Hệ
thống Cửu Huyền, Cửu Tộc và Cửu Huyền đều có cùng một nguyên lý.
Theo Tộc chế đời nhà Châu,
Cửu Tộc là 9 hạng người có liên hệ thân thuộc với bản thân mình, kể ra như sau:
Những người trong ngũ phục
thuộc họ cha.
Cô và con cô.
Chị em gái và con của chị
em gái.
Con gái và con của con
gái.
Bốn hạng người trên thuộc
tộc cha.
Cha của mẹ, tức là Ông
ngoại.
Mẹ của mẹ, tức là Bà
ngoại.
Chị em gái của mẹ và con
của các vị ấy.
Ba hạng người nầy thuộc
tộc của mẹ.
Cha vợ.
Mẹ vợ.
Hai hạng người nầy thuộc
tộc của vợ.
Nếu không căn cứ theo Tộc
chế của nhà Châu, mà căn cứ theo sự gần gũi thương yêu, Cửu Tộc là 9 hạng người
gần gũi thân thiết nhứt của mình có thể được kể ra như sau:
Cha ruột.
Mẹ ruột.
Cha vợ (hoặc Cha chồng).
Mẹ vợ (hoặc Mẹ chồng).
Vợ (hoặc chồng) của BẢN THÂN.
Anh chị ruột.
Em ruột trai hay gái.
Con.
Cháu.
C.9: "Dầu cho những người thân thích trong 9 hạng đổ lệ khóc than
thương tiếc cái chết của mình."
Thuận: Bằng lòng theo.
Trầm luân: Chìm đắm. Thuận nợ trầm luân: Bằng lòng đi theo sự kéo níu tình cảm
của những người thân yêu để phải chìm đắm trong vòng luân hồi.
C.9-10: "Giọt lụy của
Cửu Huyền dầu đổ, Chớ đau lòng thuận nợ trầm luân. Nghĩa là: Dầu cho những
người thân yêu đổ lệ khóc than thương tiếc cái chết của mình, thì mình cũng chớ
đau lòng mà trở lại cõi trần để phải chịu chìm đắm trong vòng luân hồi."
Câu 11-12: "Nắm cây huệ
kiếm gươm thần,"
"Dứt tan sự thế
nợ trần từ đây."
Huệ: Sáng suốt, thông hiểu
sự lý, dứt điều mê muội.
Thần: Thiêng liêng huyền
diệu.
Huệ kiếm gươm thần: Cây kiếm trí
huệ, cây gươm mầu nhiệm. Ðây là cách nói so sánh cho dễ hiểu, bởi vì người
chiến sĩ dùng gươm và kiếm để đánh thắng kẻ địch, còn người tu thì dùng cái trí
huệ đạt được của mình làm như cây gươm cây kiếm để quyết thắng các tên giặc Lục
dục Thất Tình và chặt đứt mọi phiền não, mọi sợi dây ràng buộc con người vào
cõi trần, để trở về cõi TLHS. Dứt tan: Làm cho mất hẳn. Sự thế: Việc đời. Nợ
trần: Các món nợ oan nghiệt gây ra nơi cõi trần.
C.11-12: "Cầm chặt cây kiếm trí huệ huyền diệu
để dẹp tan việc đời và chặt đứt các món nợ oan nghiệt ràng buộc vào cõi trần
thì từ đây mới có thể trở về cõi TL."
[ 1 ] [ 2 ] [ 3 ] [ 4 ] [ 5 ] [ 6 ] [ 7 ] [ 8 ] [ 9 ] [ 10 ] [ 11 ] [ 12 ] [ 13 ] [ 14 ] [ 15 ] [ 16 ] [ 17 ] [ 18 ] [ 19 ] [ 20 ] [ 21 ] [ 22 ] [ 23 ] [ 24 ] [ 25 ] [ 26 ] [ 27 ] [ 28 ] [ 29 ] [ 30 ] [ 31 ] [ 32 ] [ 33 ] [ 34 ] [ 35 ] [ 36 ] [ 37 ] [ 38 ] [ 39 ] [ 40 ] [ 41 ] [ 42 ] [ 43 ] [ 44 ] [ 45 ] [ 46 ] [ 47 ] [ 48 ] [ 49 ] [ 50 ] [ 51 ] [ 52 ] [ 53 ] [ 54 ] [ 55 ] [ 56 ] [ 57 ] [ 58 ] [ 59 ] [ 60 ] [ 61 ] [ 62 ] [ 63 ]
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét