Kinh Ðệ Lục Cửu (Giọng Nam
xuân)
1. "Bạch Y Quan mở đàng rước khách,
2. Cõi Kim Thiên nhẹ tách Tiên xa.
3. Vào Cung Vạn Pháp xem qua,
4. Cho tường cựu nghiệp mấy tòa thiên nhiên.
5. Cung Lập Khuyết tìm duyên định ngự.
6. Lãnh Kim sa đặng dự Như Lai.
7. Minh Vương Khổng Tước cao bay,
8. Ðem Chơn thần đến tận Ðài Huệ Hương.
9. Mùi ngào ngọt thơm luôn Thánh thể,
10. Trừ tiêu tàn ô uế sinh quang.
11. Thiên thiều trổi tiếng nhặt khoan,
12. Ðưa linh thẳng đến Niết Bàn mới thôi."
(Niệm Câu Chú của
Thầy 3 lần)
GIẢI NGHĨA
Kinh Ðệ Lục Cửu do Lục
Nương DTC
giáng cơ ban cho. Lục Nương có nhiệm vụ hướng dẫn các Chơn hồn từ
từng Trời Xích Thiên lên từng Trời Kim Thiên. Kim Thiên là từng Trời thứ 6
trong Cửu Trùng Thiên.
Câu 1-2: "Bạch Y
Quan mở đàng rước khách,"
"Cõi Kim Thiên nhẹ
tách Tiên xa."
Bạch Y Quan: Một địa danh
nơi từng Trời Kim Thiên.
Tiên xa: Chiếc xe Tiên,
cũng gọi là xe Như Ý.
C.1-2: "Nơi Bạch Y Quan, mở cửa đón rước Chơn
hồn. Chơn hồn nhẹ nhàng bước xuống rời khỏi chiếc xe Tiên để đi vào cõi Kim
Thiên."
Câu 3-4: "Vào Cung Vạn Pháp xem qua,"
"Cho tường cựu
nghiệp mấy tòa thiên nhiên."
Tường: Rõ ràng, biết rõ.
Cựu: Xưa, cũ.
Cựu nghiệp: Sự nghiệp cũ,
tức là những sự nghiệp đã tạo ra trong nhiều kiếp sống trước nơi cõi trần. Tòa:
Ngôi nhà lớn. Thiên nhiên: Cái mà Trời làm ra như thế, không phải do sức người
tạo ra. Tòa thiên nhiên: Ngôi nhà lớn do Trời tạo ra như thế, để ghi lại sự
nghiệp của mỗi Chơn hồn đã tạo ra trong các kiếp sống nơi cõi trần.
C.3-4: "Chơn hồn được đưa vào Cung Vạn Pháp để
xem qua cho biết rõ ràng sự nghiệp cũ của mình được ghi lại trong mấy Tòa thiên
nhiên."
Câu 5: "Cung Lập
Khuyết tìm duyên định ngự."
Duyên: Cái mối dây ràng
buộc được định sẵn từ trước. Ở đây ý nói ngôi vị cũ của mình nơi cõi thiêng
liêng.
Ðịnh: Có ý làm. Ngự: Ngồi
lên một cách trang trọng.
C.5: "Tại Cung Lập Khuyết, Chơn hồn tìm thấy
ngôi vị cũ của mình, định ngồi lên" (nhưng chưa được).
Câu 6: "Lãnh Kim sa
đặng dự Như Lai."
Kim sa: Kim là vàng, sa là hột cát. Kim sa là
hột cát vàng. Những hột cát vàng nầy do Phép Phật tạo thành. Kim Sa Ðại Ðiện là
tòa nhà lớn làm bằng cát vàng tại kinh đô CLTG, là nơi ngự của Ðức Phật Thích Ca.
Như Lai: Một trong 10 danh hiệu của Phật.
C.5: "Chơn hồn lãnh một hột Kim sa đặng đi gặp
Phật."
Câu 7-8: "Minh Vương Khổng Tước cao bay,"
"Ðem Chơn thần đến tận Ðài Huệ Hương."
Minh Vương Khổng Tước:
Minh Vương là vua sáng, Khổng Tước là con công.
Theo Phật Học Từ Ðiển,
Minh Vương là những vị Tôn giả hầu cận Ðức Phật, thọ giáo lệnh của Ðức Phật,
hiện thân hàng phục bọn ác ma. Các Tôn giả nầy có trí huệ và oai đức, đánh phá
hết thảy các ma chướng, ủng hộ các nhà tu hành chơn thật. Tuy là người hầu cận
Ðức Phật, nhưng vâng mệnh cầm giữ giáo lệnh thì quyền uy như một vị Minh Vương.
Minh Vương Khổng Tước là
vị Tôn giả hầu cận Ðức Phật Chuẩn Ðề (Chuẩn Ðề Bồ Tát) mà nguyên căn là một con
công, sanh vào thời Khai Thiên Lập Ðịa, được Ðức Chuẩn Ðề Bồ Tát thâu phục vào
thời Phong Thần. Khi Ðức Chuẩn Ðề xuất du thì vị tôn giả nầy hiện lại nguyên
hình là một con công màu đỏ, xòe 2 cánh chiếu hào quang ngũ sắc, chở Ðức Chuẩn
Ðề bay đi.
C.7-8: "Vị Minh Vương Khổng Tước chở Chơn thần
bay lên cao, đem đến tận Ðài Huệ Hương."
Câu 9-10: "Mùi ngào ngọt
thơm luôn Thánh thể,"
"Trừ tiêu tàn ô
uế sinh quang."
Mùi ngào ngọt: Mùi rất
thơm. Thánh thể: Thánh là thiêng liêng huyền diệu, thể là thân thể. Thánh thể
là xác thân thiêng liêng, tức là Chơn thần.
Trừ: Làm cho mất đi. Tiêu
tàn: Làm tiêu mất hẳn.
Ô uế: Ô là dơ bẩn, uế là
hôi hám. Ô uế là dơ bẩn hôi hám. Sinh quang: Khí Sanh quang, chất khí để nuôi
dưỡng sự sống cho các loài sanh vật trong khắp CKVT.
C.9-10: "Mùi ngào ngọt thơm luôn Thánh thể, Trừ
tiêu tàn ô uế sinh quang. Nghĩa là: Mùi thơm ngào ngọt của Ðài Huệ Hương xông
thơm Chơn thần, tẩy trừ hết sạch các mùi dơ bẩn hôi hám lẫn vào trong Khí Sanh
quang."
Câu 11-12: "Thiên thiều
trổi tiếng nhặt khoan,"
"Ðưa linh thẳng
đến Niết Bàn mới thôi."
Thiên thiều: Thiều là nhạc
thiều, loại nhạc cung đình, nghe rất réo rắt êm tai, khiến cho tâm hồn người
nghe trở nên cao thượng. Tương truyền Nhạc thiều do vua Thuấn học được của Bà
Nữ Oa. Thiên thiều là nhạc thiều của Trời.
Trổi tiếng nhặt khoan:
Khởi lên tiếng nhạc khi nhanh khi chậm, khi nhặt khi lơi. Ðưa linh: Ðưa Chơn
linh đi lên.
Niết Bàn: Cõi Phật, cõi
CLTG hoàn toàn hạnh phúc.
C.11-12: "Khúc nhạc thiều của Trời khởi lên lúc
nhanh lúc chậm, đưa Chơn linh thẳng lên đến cõi Niết Bàn mới thôi."
KHẢO
DỊ:
*
Kinh Lễ in bên Pháp 1952: Tiêu thiều.
* Kinh TÐ-TÐ năm 1936, 1968, 1974, 1975: Thiên thiều.
Tiêu thiều: Khúc nhạc thiều thổi bằng ống sáo. (Xem C.7 KÐ3C: Tiêu thiều
lấp tiếng dục tình).
[ 1 ] [ 2 ] [ 3 ] [ 4 ] [ 5 ] [ 6 ] [ 7 ] [ 8 ] [ 9 ] [ 10 ] [ 11 ] [ 12 ] [ 13 ] [ 14 ] [ 15 ] [ 16 ] [ 17 ] [ 18 ] [ 19 ] [ 20 ] [ 21 ] [ 22 ] [ 23 ] [ 24 ] [ 25 ] [ 26 ] [ 27 ] [ 28 ] [ 29 ] [ 30 ] [ 31 ] [ 32 ] [ 33 ] [ 34 ] [ 35 ] [ 36 ] [ 37 ] [ 38 ] [ 39 ] [ 40 ] [ 41 ] [ 42 ] [ 43 ] [ 44 ] [ 45 ] [ 46 ] [ 47 ] [ 48 ] [ 49 ] [ 50 ] [ 51 ] [ 52 ] [ 53 ] [ 54 ] [ 55 ] [ 56 ] [ 57 ] [ 58 ] [ 59 ] [ 60 ] [ 61 ] [ 62 ] [ 63 ]
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét