KINH SÁM HỐI
I . Nguồn gốc bài Kinh Sám Hối:
Kinh Sám Hối được các Ðấng Tiện, Phật giáng cơ ban cho Minh Lý Ðạo (Tam Tông Miếu), kể từ ngày 27-3-Ất Sửu
(dl 19-4-1925) cho đến ngày mùng 6-10-Ất Sửu (dl 21-11-1925) mới dứt kinh. Thời
gian giáng cơ cho Kinh kéo dài hơn 7 tháng. Các Ðấng giáng cơ cho Kinh là: Ðức Thái
Thượng Lão Quân, Ðức Quan Âm Bồ Tát, Ðức Nam Cực Chưởng Giáo, Ðức Quan Thánh Ðế
Quân, Ðức Nhiên Ðăng Cổ Phật, Ðức Tây Ba Ðế Quân, Ðức Ðịa Tạng Vương Bồ Tát,
Ðức Khổng Thánh Tiên Sư, Thập Ðiện Minh Vương, Ðức Lữ Tổ, Ðức Alfred Aya, Ðức
Vân Trung Tử.
Mỗi vị giáng cơ ban cho
một đoạn kinh, cứ nối tiếp theo hoài cho đến khi dứt kinh.
Ngay sau khi dứt Kinh Sám
Hối, Ðức Ðông Phương Lão Tổ (biệt hiệu của Ðức Thái Thượng Ðạo Quân) giáng tiếp
ban cho Bài Khen Ngợi Kinh Sám Hối. Ấy là trọn vẹn.
Ông Âu Minh Chánh, vị sáng
lập Minh Lý Ðạo (Tam Tông Miếu) có viết thuật lại như sau (ngày viết 10-6-Ðinh
Mão, dl 8-7-1925):
"Một khi kia, đến cầu kinh giùm một người bằng
hữu thọ bịnh tại Thủ Thiêm, có Ðức Thái Thượng Lão Quân giáng xuống mà cho một
khoản đầu KINH SÁM HỐI.
Sau lần lần, mỗi khi cúng, có Tam Giáo Ðạo Chủ hoặc là
chư Phật, chư Tiên, chư Thánh, chư Thần, hoặc là Thập Ðiện Minh Vương giáng đàn
cho tiếp Kinh Sám Hối.
Cũng tưởng rằng Thần Tiên cho kinh đó đặng làm phước
giúp người mà thôi, không dè Ðức Văn Tuyên Vương giáng dạy chúng tôi phải kiếm
một cảnh chùa đặng ngày sóc vọng đến đó dưng hương và Sám Hối."
Khi mới khai Ðạo Cao Ðài,
Ðức Chí Tôn dạy Phật giáo và 5 Chi Minh Ðạo dâng Kinh cho ÐÐTKPÐ. Do đó, Hội
Thánh cử phái đoàn gồm Ðức Quyền Giáo Tông Lê văn Trung, Thượng Giáo Sư Vương
quan Kỳ, Ðức Phạm Hộ Pháp và Ðức Cao Thượng Phẩm đến Minh Lý Ðạo thỉnh bài Kinh
nầy về làm Kinh ÐÐTKPÐ.
Lúc đó Kinh Sám Hối được
gọi là Kinh NHƠN QUẢ.
II. Nội dung Kinh Sám Hối.
Kinh Sám Hối gồm 444 câu
thơ song thất lục bát, là một áng văn chương tuyệt tác siêu phàm, và đó cũng là
một công trình tập thể của nhiều Ðấng Phật, Tiên, Thánh, trong Tam Giáo, nhất
là có sự tham dự của Thập Ðiện Diêm Vương nơi cõi Ðịa Ngục.
Nhờ bài Kinh Sám Hối nầy,
nhơn sanh biết được trong thời Nhị Kỳ Phổ Ðộ, những người hung ác nơi cõi trần,
khi chết, linh hồn và chơn thần bị Quỉ sứ bắt giam vào Ðịa ngục, chịu những
hình phạt vô cùng thảm khốc để đền bù tội lỗi.
Nhưng khi Ðức Chí Tôn mở
Ðại Ðạo Tam Kỳ Phổ Ðộ vào năm Bính Dần (1926), là kỳ Phổ Ðộ chót để tận độ
chúng sanh trước khi Tận Thế, mở Ðại Hội Long Hoa, chấm dứt một chu kỳ tiến hóa
của nhơn loại, chuyển qua thời kỳ Thánh đức, Ðức Chí Tôn đại khai Ân xá cho các
đẳng linh hồn, đóng cửa Ðịa Ngục, giải phóng các tội hồn, cho đi đầu thai trả
quả.
Ðức Chí Tôn có hứa với Ðức
Phạm Hộ Pháp là ngày giờ nào Ðức Phạm Hộ Pháp thoát xác, trước khi trở về cõi
TL, Ðức Hộ Pháp sẽ đi qua cõi Ðịa ngục để giải phóng các chơn hồn oan khúc tội
tình đặng cho họ, hoặc siêu thăng, hoặc đi đầu thai trả quả. (TÐ.ÐPHP, Con
đường TLHS, trang 124).
Ðức Phạm Hộ Pháp thoát xác
qui Thiên vào ngày 10-4-Kỷ Hợi [1959]. Như thế, cõi Ðịa ngục được hoàn toàn
đóng cửa vào năm nầy. Từ đây trở về sau, các hồn tội lỗi được đưa đến cõi Âm
Quang để học đạo và tịnh tâm xét mình, có Ðịa Tạng Vương Bồ Tát giáo hóa các
Nam tội hồn và Thất Nương DTC giáo hóa các Nữ tội hồn.
III. Chú thích Kinh Sám
Hối.
Trong phần chú thích các
từ ngữ khó trong Kinh Sám Hối, soạn giả có đối chiếu bản Kinh Sám Hối in trong
Kinh Thiên Ðạo và Thế Ðạo do Hội Thánh ấn hành, với bản Kinh Nhơn Quả, in trong
quyển Kinh Cúng Tứ Thời cũng do Hội Thánh ấn hành vào năm 1928, và bản Kinh Sám
Hối của Minh Lý Ðạo in năm 1973, để điều chỉnh cho đúng chánh tả một vài từ ngữ
cho hợp với nghĩa lý của câu Kinh, và soạn giả có ghi trong phần KHẢO DỊ.
Viết tắt
trong phần KHẢO DỊ:
Kinh TÐ-TÐ:
Kinh Thiên Ðạo và Thế Ðạo.
KSH. MLÐ:
Kinh Sám Hối của Minh Lý 1973.
Kinh NQ:
Kinh Nhơn Quả in năm 1928.
Kinh Sám Hối
(Giọng Nam xuân)
1. Cuộc danh lợi là phần
thưởng quí,
Ðấng Hóa Công xét kỹ ban
ơn.
Lòng đừng so thiệt tính
hơn,
Ngày đêm than thở dạ hờn
ích chi.
5. Người sang cả là vì
duyên trước,
Kẻ không phần luống ước
cầu may.
Sang giàu chẳng khác như
mây,
Khi tan khi hiệp đổi xây
không thường.
CHÚ THÍCH
SÁM HỐI: Sám là ăn năn
những lỗi lầm đã qua và thật lòng muốn sửa đổi, quyết không tái phạm; Hối là tự
giận mình đã làm điều sái quấy. Sám hối là ăn năn và tự giận mình về những lỗi
lầm do mình gây ra, tự nguyện sửa đổi, quyết không tái phạm.
Sách Nho định nghĩa Sám
Hối là: "Sám giả sám kỳ tiền khiên, Hối giả hối kỳ hậu quá." Nghĩa
là: Sám là ăn năn lỗi trước, Hối là chừa bỏ lỗi sau.
Hội Thánh có dặn rằng:
"Kinh Sám Hối nầy nên tụng ngày Sóc Vọng, còn ngày thường lỡ có lầm lỗi
điều chi, phải tụng mà xin tội."
Danh lợi: Danh là tiếng
tăm, lợi là lợi lộc. Danh lợi là tiếng tăm và lợi lộc. Ðó là 2 thứ mà người đời
rất ham thích, muốn đoạt lấy về cho mình càng nhiều càng tốt.
Cuộc danh lợi: Việc danh
và lợi trong cuộc sống.
Hóa công: Hóa là tạo hóa,
Công là người thợ. Hoá công là ông Thợ Tạo Hóa, tạo ra CKVT và vạn vật. Ðó là
Ông Trời, là Ðấng Chí Tôn Ngọc Hoàng Thượng Ðế.
So thiệt tính hơn: So sánh
hơn kém, tính toán lợi hại.
Sang cả: Sang là cao quí,
cả là lớn, nhiều. Sang cả là sang trọng lắm, vẻ vang lắm.
Duyên trước: Chữ Hán là
Tiền duyên, duyên là mối dây ràng buộc được định sẵn từ trước. Duyên trước là
mối dây được dịnh sẵn từ kiếp trước. Nếu kiếp trước mình làm điều lương thiện
đạo đức thì tạo được Duyên lành, khiến cho đời sống hiện tại được giàu sang
vinh hiển hạnh phúc.
Không phần: Chữ Hán là Vô
phần, Phần là cái số phận mà Trời định sẵn cho mình. Vô phần hay Không phần là
số phận bạc bẽo, vất vả, đau đớn ê chề. Nói là Trời định, chớ thật ra cái
Nghiệp của mình định cho mình. Trời lập ra Luật Nhơn Quả, và cầm Cây Cân Công
Bình thiêng liêng giữ cho sự báo ứng được đúng phép công bình.
Luống: Nhiều lần. Luống
ước: Mong ước nhiều lần.
Cầu may: Mong cầu được may
mắn.
Hai câu 7-8: Sự giàu sang
không bền bỉ, nó chẳng khác gì một đám mây trên bầu Trời, khi tan khi tụ rất
mau chóng, không chừng mực.
Muốn cho sự giàu sang được
bền bĩ thì phải biết dùng tiền bạc bố thí, giúp đỡ người hoạn nạn nghèo khổ và
làm những việc công đức khác như làm cầu, sửa đường, cất trường học, xây
chùa, thì sẽ tạo được phước lành, hưởng
được quả lành về sau.
9. Việc sanh tử như đường
chớp nhoáng,
Bóng quang âm ngày tháng
dập dồn.
Giữ cho trong sạch linh
hồn,
Rèn lòng sửa nết, đức tồn
hậu lai.
13. Ðiều họa phước không
hay tìm tới,
Tại mình vời nên mới theo
mình.
Cũng như bóng nọ tùy hình,
Dữ lành hai lẽ công bình
thưởng răn.
CHÚ THÍCH
Việc sanh tử: Việc sống
chết, chỉ một đời sống của con người từ lúc sanh ra cho đến lúc chết.
Ðường chớp nhoáng: Ðường
sáng răng cưa nhìn thấy trên bầu Trời do sấm sét gây ra, chỉ hiện ra trong giây
lát rồi tắt. Ý nói: Khoảng thời gian rất ngắn.
Bóng quang âm: Chỉ ngày và
đêm. Bóng là ánh sáng, quang là sáng [ngày], âm là tối [đêm]. Dập dồn: Dồn dập.
Trong sạch linh hồn: Linh
hồn trong sạch trong một Chơn thần trong sạch, Chơn thần trong sạch trong một
thể xác trong sạch. Muốn thể xác trong sạch thì phải giữ cho thân, khẩu, ý
trong sạch, và phải ăn chay trường.
Ðức tồn hậu lai: Cái đức
tồn tại lâu dài về sau.
Bóng nọ tùy hình: Cái hình
thế nào thì cái bóng hiện ra thế ấy, ý nói: Nhơn nào thì quả nấy, không hề sai
chạy.
KHẢO
DỊ:
-
KSH MLÐ:
Tại
mình vời.
-
Kinh NQ , Kinh Lễ, Kinh TÐ-TÐ 1936, 1968, 1974: Tại mình dời.
Vời:
Mời đến, triệu đến. Dời: Ðổi chỗ khác.
17. Khi vận thới lung lăng
chẳng kể,
Lúc suy vi bày lễ khẩn
cầu.
Sao bằng ở phải buổi đầu,
Thần minh chánh trực có
đâu tư vì.
21. Người làm phước có khi
mắc nạn,
Kẻ lăng loàn đặng mạng
giàu sang.
Ấy là nợ trước còn mang,
Duyên kia chưa dứt còn đang thưởng đền.
CHÚ THÍCH
Vận thới: Vận là thời vận, thới hay thái là
hanh thông thịnh vượng. Vận thới là thời vận hanh thông, thịnh vượng.
Suy vi: Suy là kém sút
dần, vi là thấp hèn. Suy vi là sa sút đến độ nghèo nàn, thấp hèn. Bày lễ khẩn
cầu: Ðem lễ vật bày ra cúng để cầu khẩn Thần linh. Ở phải: Ăn ở đúng theo lẽ
phải, đạo đức. Thần minh: Vị Thần sáng suốt.
Chánh trực: Ngay thẳng. Tư
vì: Tư vị, thiên lệch.
Lăng loàn: Có hành vi hỗn
xược, không tùng phép tắc.
Câu 21-22: "Người làm phước có khi mắc nạn là vì
việc làm phước trong kiếp hiện tại chưa đủ để đền trả những oan nghiệt đã gây
ra trong kiếp trước. Không phải vì làm phước mà mắc nạn. Nếu người đó không làm
phước thì tai nạn còn dồn dập tới nhiều hơn nữa, nhờ làm phước như vậy nên tai
nạn mới giảm bớt và còn như thế đó."
Kẻ lăng loàn đặng mạng
giàu sang, là vì cái phước đức của nó ở kiếp trước còn, chừng nào phước đức ấy
hết thì nó sẽ suy sụp thê thảm. Ðừng nghĩ rằng vì nó lăng loàn mà được giàu
sang. Luật Nhơn quả không bao giờ sai chạy.
25. Nếu vội trách người
trên thì đọa,
Cũng có khi tai họa trả
liền.
Ðó là báo ứng nhãn tiền,
Mau thì mình chịu, lâu
truyền cháu con.
29. Lo danh
vọng hao mòn thân thể,
Ham làm giàu
của để bằng non.
Một mai nhắm
mắt đâu còn.
Ðem vàng
chuộc mạng đổi lòn đặng chăng.
CHÚ THÍCH
Người trên:
Người
ở bực cao hơn mình, ở đây chỉ các Ðấng Thiêng liêng. Ðọa: Ðày xuống
chỗ thấp kém khổ sở.
Báo ứng nhãn
tiền: Báo ứng là báo đáp lại, nhãn tiền là trước mắt nghĩa là xảy ra
liền, thấy trước mắt. Báo ứng nhãn tiền là báo đáp lại liền, xảy ra ngay trước
mắt.
Câu 28: "Sự báo ứng
xảy ra nhanh thì mình chịu, còn xảy ra lâu, qua kiếp khác thì con cháu mình
phải đền trả."
Danh vọng: Danh là tiếng
tăm, vọng là ngưỡng mộ. Danh vọng là có tiếng tăm được nhiều người ngưỡng mộ.
Câu 29: "Muốn có danh
vọng thì phải tính toán trăm phương ngàn kế, làm việc mất ăn mất ngủ mới tạo
được, thân thể phải hao mòn, sức khỏe phải suy giảm."
Của để bằng non: Của cải,
tiền bạc kiếm được nhiều chất lại thành đống lớn như núi. Nhắm mắt: Chết.
Chuộc mạng: Ðem vàng bạc
đổi lấy mạng sống.
Ðổi lòn: Hạ mình luồn cúi
để cầu xin trao đổi.
Câu 31-32: "Mai kia nhắm
mắt chết rồi thì có đem vàng bạc lòn cúi chuộc lại mạng sống của mình đặng
chăng?"
33. Trên đầu có bủa giăng
Thần Thánh,
Xét xem người tánh hạnh dữ
hiền.
Làm lành đặng hưởng phước
duyên,
Trong lòng nham hiểm, lộc
quyền giảm thâu.
37. Ðừng tính kế độc sâu
trong dạ,
Mà gổ ganh oán chạ thù vơ.
Trái oan nào khác mối tơ,
Rối rồi không gỡ, bao giờ
cho ra.
CHÚ THÍCH
Bủa giăng: Bủa là phân
rộng ra các phía, giăng là kéo ra theo bề dài. Bủa giăng là bao phủ khắp nơi.
Câu 33: "Trên đầu của mỗi người lúc nào cũng có
chư Thần Thánh hiện diện đầy đủ khắp nơi để xem xét."
Phước duyên: Phước là điều
may mắn tốt lành, Duyên là cái sức bổ trợ cho cái Nhân thành cái Quả. Phước
duyên là điều may mắn tốt lành do việc làm lành báo đáp lại. Nham hiểm: Ðộc ác
một cách kín đáo, khó phát hiện ra được.
Câu 36: "Ðối với người nham hiểm sâu độc thì
chư Thần Thánh sẽ thâu lợi lộc và quyền hành cho giảm bớt lại."
Gổ ganh: Gây gổ vì ganh
tỵ. Oán chạ thù vơ: Thù oán bậy bạ, không có lý do chánh đáng.
Trái oan: Trái là món nợ,
oan là thù giận. Trái oan là món nợ về thù giận. Mình vô cớ làm thiệt hại người
thì người ta thù giận mình, mình mắc một món nợ oan nghiệt.
Hai câu 39-40: Oán thù nên
gỡ, không nên kết, vì nó như sợi tơ, càng kết càng rối, càng gây thêm đau khổ
và phiền não, rồi cứ oan oan tương báo, biết chừng nào mới dứt được.
41. Thấy hình khổ dạ ta đâu nỡ,
Khuyên làm lành trừ đỡ tội
căn.
Quấy rồi phải biết ăn năn,
Ở cho nhân hậu, chế răn
lòng tà.
45. Hãy có dạ kỉnh già
thương khó,
Chớ đem lòng lấp ngõ tài
hiền.
Xót thương đến kẻ tật
nguyền,
Ðỡ nâng yếu thế, binh
quyền mồ côi.
CHÚ THÍCH
Hình khổ: Hình phạt khổ
sở. Dạ ta: Lòng dạ của ta.
Ðâu nỡ: Không thể ép lòng mà chịu được.
Tội căn: Tội lỗi đã gây ra trong kiếp trước. Căn là gốc
rễ, chỉ những việc làm trong kiếp sống trước.
Nhân hậu: Nhân là lòng
thương người mến vật, Hậu là dày dặn. Nhân hậu là lòng nhân từ dày dặn.
Chế răn: Kềm chế và dạy
bảo cho biết điều sái quấy.
Lòng tà: Lòng dạ gian xảo,
ham muốn bậy bạ.
Kỉnh già thương khó: Kính
trọng người già cả, thương xót người nghèo khó.
Lấp ngõ tài hiền: Lấp ngõ
là bít đường. Tài hiền là hiền tài, người có tài đức hơn người. Lấp ngõ tài
hiền là chận đường không cho người tài giỏi tiến thân, vì sợ người đó làm lu mờ
danh vọng của mình. Tứ Ðại Ðiều Qui có ghi: Chớ che lấp người hiền, đừng cậy quyền
mà yểm tài người.
Tật nguyền: Tàn tật với
mức độ lớn, như què, câm,đui.
Binh quyền mồ côi: Binh
vực quyền lợi của kẻ mồ côi.
49. Làm con phải trau giồi hiếu đạo,
Trước là lo trả thảo mẹ
cha.
Lòng thành thương tưởng
ông bà,
Nước nguồn cây cội mới là
tu mi.
53. Giá trong sạch nữ nhi
trượng tiết,
Giữ cho tròn trinh liệt
mới mầu.
Ở sao đáng phận đạo dâu,
Thờ chồng tiết hạnh mới
hầu gái ngoan.
CHÚ THÍCH
Hiếu đạo: Hiếu là hết lòng
kính yêu và chăm sóc cha mẹ, đạo là đường lối mà con người có bổn phận phải gìn
giữ và tuân theo. Hiếu đạo là nói về bổn phận làm con đối với cha mẹ: Làm con
phải có lòng hiếu thảo.
Ðạo dâu: Bổn phận làm con
dâu trong nhà chồng.
Nước nguồn cây cội: Cây có
cội, nước có nguồn, con người có cha mẹ. Ý nói phải nhớ đến nguồn gốc của mình.
Tu mi: Tu là râu, mi là
lông mày. Tu mi là râu mày, chỉ
đàn ông con trai. Giá trong sạch: Con gái có chồng phải giữ lòng trong sạch với
chồng. Giá là con gái lấy chồng.
Nữ nhi: chỉ chung đàn bà con gái. Nhi là con
trẻ.
Trượng tiết: Trượng là trọng, kính trọng; tiết là khí
tiết, lòng dạ cứng cỏi ngay thẳng.
Trượng
tiết là tôn trọng cái tiết hạnh của mình. Trinh liệt: Trinh là lòng ngay thẳng của vợ đối với chồng, liệt là
cứng cỏi không chịu khuất.
Mầu: Tài giỏi và có tính cách cao siêu. Mới
mầu: Mới tài giỏi cao siêu. Mới hầu: Mới mong.
57. Ðừng có cậy giàu sang chẳng nể,
Không kiêng chồng, khi dể công cô.
Ấy là những gái hung đồ,
Xúi chồng tranh cạnh hồ đồ sân si.
61. Tánh ngoan ngạnh không vì cô bác,
Thói lăng loàn bạn tác khinh khi.
Ngày sau đọa chốn Âm Ty,
Gông kềm khảo kẹp, ích gì rên la.
CHÚ THÍCH
Kiêng: Nể sợ. Công cô: Cha mẹ chồng. Công là
cha chồng, cô là mẹ chồng. Hung đồ: Bọn hung dữ. Ðồ là bọn.
Hồ đồ: Không hiểu rõ sự việc phải quấy mà hấp
tấp giải quyết khiến nhiều người bất bình phẩn nộ. Sân si: Sân là giận, si là mê muội. Sân si là giận dữ mê muội,
mất khôn.
Ngoan ngạnh: Chữ Hán, ngoan là làm càn bậy,
ngạnh là ngăn trở. Ngoan ngạnh là bướng bỉnh, càn bậy, không nghe lời khuyên dạy đúng
đắn. Tác: Tuổi tác. Bạn tác: Bạn cùng lứa tuổi. Âm Ty: Cơ quan ở cõi Âm phủ. Ty
là một cơ quan.
Gông kềm khảo kẹp: Dùng
gông mang vào cổ, dùng kềm kẹp tay chân, khảo tra hành hình các tội hồn ở Âm
phủ.
KHẢO
DỊ:
-
KSH. MLÐ: khi dể ông cô.
-
Kinh NQ, Kinh TÐ-TÐ 1936, 1968, 1974, 1975: khi dể công cô.
Ông
cô đồng nghĩa Công cô.
- KSH. MLÐ, Kinh NQ, Kinh
TÐ-TÐ 1936, Kinh Lễ:
mồ đồ sân si.
- Kinh TÐ-TÐ 1968, 1974,
1975: hồ đồ sân si.
Hồ đồ đồng nghĩa Mồ đồ. Mồ đồ là từ ngữ xưa.
65. Người tai mắt đạo nhà khá giữ,
Nghĩa anh em cư xử thuận
hòa.
Vẹn tròn đạo cả giềng ba,
Kính anh mến chị thì là
phận em.
69. Trên thương dưới xét
xem kẻ nhỏ,
Lúc lâm nàn chớ bỏ tránh
xa.
Cũng là một gốc sanh ra,
Gồm bao nâng đỡ, ruột rà
thương nhau.
CHÚ THÍCH
Người tai mắt: Người hiểu
biết nhiều và có danh vọng.
Ðạo nhà: Phép tắc cư xử giữa
những người trong gia đình.
Nghĩa anh em: Nghĩa là
cách cư xử đúng theo đạo lý. Nghĩa anh em là cách cư xử giữa anh em ruột đúng
đạo lý, tức là phải thương yêu đùm bọc và thuận hòa cùng nhau.
Ðạo cả: Mối đạo lớn của
con người. Ðó là Nhơn đạo, vì Nhơn đạo là căn bản. Có làm tròn Nhơn đạo thì mới
tầm lên Tiên đạo được. (Nhơn đạo bất tu, Tiên đạo viễn hỹ.) Theo Nho giáo, Nhơn
đạo của người Nam gồm: Tam cang và Ngũ thường (Ba giềng và Năm hằng), Nhơn đạo
của người phụ nữ gồm: Tam tùng và Tứ đức.
Giềng ba: Ba giềng, dịch
chữ Tam cang. Tam cang gồm: Quân thần cang [Giềng mối vua tôi], Phụ tử cang
[Giềng mối cha con], Phu thê cang [Giềng mối vợ chồng].
Lâm nàn: Lâm là tới, nàn
là tai nạn. Lúc lâm nàn là lúc tai nạn tới.
Câu 72: Anh em ruột thịt
thì phải bao gồm việc thương yêu và trợ giúp nâng đỡ nhau.
73. Người trung trực lo âu
việc nước,
Hưởng lộc vua tìm chước an bang.
Chớ làm con giặc tôi loàn,
Thuế sưu đóng đủ, đừng
toan kế tà.
77. Phận làm tớ thật thà
trung tín,
Với chủ nhà trọn kính trọn
ngay.
Áo cơm no ấm hằng ngày,
Của người châu cấp ơn dày
nghĩa sâu.
CHÚ THÍCH
Trung trực: Trung là trung
thành, trực là ngay thẳng. Trung trực là trung thành và ngay thẳng.
Nợ nước: Nghĩa vụ đối với
quốc gia.
Hưởng lộc vua: Vua là biểu
tượng của một nước. Hưởng lộc vua là hưởng lộc nước, tức là thọ hưởng quyền
tước và lương bổng của quốc gia. Tìm chước: Tìm ra kế hoạch.
An bang: An là yên ổn,
bang là nước. An bang là làm cho nước được yên ổn thái bình.
Con giặc: Người dân làm
giặc, chống lại nhà nước.
Tôi loàn: Làm quan mà dấy
loạn, phản lại nhà nước.
Thuế sưu: Thuế là tiền
phải đóng góp cho nhà nước để dùng vào công ích. Sưu là phần đóng góp bằng sức
lực vào các công trình ích nước lợi dân, như đắp đê, làm đường, bắc cầu, làm
thủy lợi,... Toan: Có ý định.
Kế tà: Mưu kế gian xảo để
làm hại người lợi mình.
Trung tín:
Trung thành và tín nhiệm.
Châu cấp:
Cấp cho đầy đủ, bảo đảm được cuộc sống.
81. Ðừng gặp
việc câu mâu biếng nhác,
Mà quên lời
phú thác dặn dò.
Trước người giả bộ
siêng lo,
Sau lưng gian trá, so đo
tấc lòng,
85. Phải
chừa thói loài ong tay áo,
Bớt học đòi
khỉ dạo dòm nhà,
Gìn lòng
ngay thẳng thật thà,
Nói năng
minh chánh, lời ra phải nhìn.
CHÚ THÍCH
Biếng nhác:
Nhác là làm biếng. Biếng nhác là lười biếng. Phú thác: Phú là giao cho, thác là gởi
gấm. Phú thác là giao cho và gởi gấm với lòng tin cậy.
Giả bộ: Làm ra bộ tịch như
vậy, chớ không thực lòng.
Gian trá:
Gian xảo và tráo trở. So đo tấc lòng: Lòng dạ hẹp hòi, so sánh đo lường hơn
thiệt từng ly từng tí.
Loài ong tay
áo: Do thành ngữ: Nuôi ong tay áo, nghĩa là: Hễ nuôi con ong trong tay áo thì
thế nào cũng bị ong chích. Ý nói: Kẻ phản bội, ăn cơm chủ trở lại hại chủ.
Khỉ dạo dòm
nhà: Do thành ngữ: Nuôi khỉ dòm nhà. Loài khỉ có tánh hay bắt chước một cách vô ý thức, thấy
chủ nhà nhúm lửa nấu cơm, khi vắng chủ nhà, nó bắt chước xuống bếp nhúm lửa,
làm lửa cháy lên, lan qua thành cháy nhà.
Khỉ dạo là chỉ chung loài
khỉ vượn. Khỉ dạo dòm nhà là có ý nói: Cái tánh hay bắt chước vô ý thức rất tai
hại.
Minh chánh:
Trong sáng và ngay thẳng.
Lời ra phải
nhìn: Ý nói: Phải giữ lời hứa, phải nhìn nhận lời nói của mình, không được nuốt
lời.
89. Chớ
quyệt ngữ mà khinh kẻ dại
Ðừng gian mưu hãm hại người hiền.
Anh em bằng hữu kết
nguyền,
Một lòng tin cậy, phải
kiêng phải vì.
93. Chẳng thấy khó mà khi
mà thị,
Gặp người giàu mà vị mà
nâng.
Dầu khi gặp lúc gian
truân,
Cũng đồng giúp ích, chớ
đừng mặt ngơ.
CHÚ THÍCH
Quyệt ngữ: Quyệt là xảo
trá, ngữ là lời nói. Quyệt ngữ là lời nói xảo trá, gian dối. Gian mưu: Mưu kế
gian xảo.
Hãm hại: Làm hại người
bằng thủ đoạn ám muội.
Người hiền: Người có tài
đức hơn người.
Bằng hữu: Bằng là bạn, hữu
là bạn, Bằng hữu là bè bạn. Kết nguyền: Kết chặt mối dây thân ái bằng lời thề.
Kiêng: Nể sợ. Vì: Nể nang.
Khó: Nghèo khổ.
Mà khi mà thị: Khi thị là
lừa dối, khinh thường.
Vị: Nể nang. Nâng: Tâng
bốc, nịnh hót.
Hai câu 93-94: Nói về thói
đời ham chuộng bạc tiền vật chất: Hễ thấy ai nghèo khổ thì khinh rẻ, thấy ai
giàu có thì theo nịnh bợ. Ðừng làm như thế, bởi vì giá trị con người không phải
do tiền bạc hay nghèo giàu, mà là do phẩm chất đạo đức và tài năng chơn thực.
Gian truân: Gian là khó
khăn vất vả, truân là cực khổ. Gian truân là vất vả cực khổ.
Mặt ngơ: Ngó lơ làm như
không hay biết, vì sợ hao tốn tiền bạc hay công sức giúp đỡ.
97. Làm người phải kỉnh
thờ Thần Thánh,
Giữ lời nguyền, tâm tánh
tưởng tin.
Hễ là niệm Phật tụng kinh,
Rèn lòng sửa nết, khá in
như nguyền.
101. Chừa thói xấu đảo
điên trong dạ,
Muôn việc chi chẳng khá
sai lời.
Dối người nào khác dối
Trời,
Trời đâu dám dối, ra đời
ngỗ ngang.
CHÚ THÍCH
Lời nguyền: Lời thề. Tưởng
tin: Tin tưởng.
Niệm Phật: Miệng thì đọc
nho nhỏ vừa đủ nghe danh hiệu của chư Phật, còn tâm thì tưởng nghĩ tới chư
Phật.
Khá in như nguyền: Phải
làm cho đúng y như lời thề.
Ðảo điên: Thay đổi lung
tung, tráo trở bất thường.
Câu 103: Dối người nào
khác dối Trời. Sách Nho có câu: Khi nhơn tức khi tâm, nghĩa là: Lừa dối người
tức là lừa dối cái Tâm của mình, mà Tâm là điểm Linh quang do Trời ban cho mỗi
người, nên lừa dối người tức là lừa dối Trời. Mà lừa dối Trời có đặng chăng?
Ngỗ ngang: Ngỗ là ngạo
ngược, ngang là bướng bỉnh. Ngỗ ngang đồng nghĩa với Ngỗ nghịch, nghĩa là bướng
bỉnh, bất chấp lời khuyên dạy của bề trên.
KHẢO DỊ:
- Kinh NQ, Kinh Lễ, Kinh TÐ-TÐ 1936, 1968, 1974,
1975: ra đời ngỗ ngang.
- KSH. MLÐ: há đời ngỗ ngang.
105. Chớ lầm tưởng trong hang
vắng tiếng,
Mà dể duôi sanh biến lăng
loàn.
Con người có trí khôn
ngoan,
Tánh linh hơn vật, biết
đàng lễ nghi.
109. Phải cho biết kỉnh vì
trên trước,
Ðừng buông lời lấn lướt hồ
đồ.
Thuận cùng chú bác cậu cô,
Bà con chòm xóm, ra vô
khiêm nhường.
CHÚ THÍCH
Trong hang vắng tiếng: Ý
nói nơi kín đáo vắng vẻ, không ai dòm ngó. Dể duôi: Khi dể, xem thường.
Sanh biến: Gây ra điều bất
thường không tốt đẹp.
Lăng loàn: Hỗn xược, không
tùng theo khuôn phép.
Tánh linh hơn vật: Con
người có tánh linh hơn vạn vật là vì con người có đủ Tam hồn: Sanh hồn, Giác
hồn, Linh hồn. Thảo mộc chỉ có Sanh hồn, tiến lên Thú cầm thì có thêm một phần
hồn nữa là Giác hồn, Thú cầm tiến hóa lên phẩm Nhơn loại thì có thêm một phần
hồn nữa là Linh hồn. Linh hồn là điểm Linh quang của Ðức Chí Tôn ban cho, nhờ
đó con người linh hơn vạn vật và có thể tu hành thành Tiên, Phật.
Lễ nghi: Lễ là cách bày tỏ
ra ngoài lòng kính trọng, Nghi là hình thức tốt đẹp để tượng trưng cái Lễ. Lễ
nghi là cách sắp đặt bên ngoài để bày tỏ lòng kính trọng.
Kỉnh vì trên trước: Kính
trọng, nể nang người có địa vị cao hay tuổi tác lớn hơn mình. Buông lời: Nói ra
mà không suy nghĩ cẩn thận. Bà con chòm xóm: Những người quen thân ở gần gũi
trong xóm của mình.
113. Thấy già yếu hẹp
đường nhượng tránh,
Ðừng chỗ đông buông tánh
quá vui.
Cợt người ra dạ dể duôi,
Sanh điều xích mích, đâu
nguôi dạ hờn.
117. Khi tế tự chớ lờn chớ
dể,
Việc quan hôn thủ lễ
nghiêm trang.
Gìn lòng chẳng khá lăng
loàn,
Lễ nghi vẹn giữ vững vàng
chớ quên.
CHÚ THÍCH
Buông tánh: Buông là thả
lỏng ra, không kềm giữ chặt chẽ. Buông tánh là để cho cái Tánh buông lung,
không kềm giữ nó chặt chẽ thì dễ sanh ra điều sái quấy. Cợt: Trêu ghẹo.
Xích mích: Va chạm lặt vặt
sanh ra phiền lòng.
Ðâu nguôi dạ hờn: Không
làm giảm bớt lòng hờn giận.
Tế tự: Tế là dâng phẩm vật
lên cúng với thể thức long trọng, Tự là thờ cúng.Tế tự là chỉ chung việc tế lễ
và thờ cúng.
Chớ lờn chớ dể: Không được
vô lễ, không được khinh thường.
Quan hôn: Quan là cái mũ. Lễ Gia Quan là lễ đội
mũ cho con trai khi đến tuổi trưởng thành, đúng 20 tuổi. Lễ nầy được thực hiện
trong các gia đình Nho giáo thuở xưa, nay đã bãi bỏ. Hôn là việc cưới vợ gả chồng. Quan hôn là chỉ chung việc Quan Hôn
Tang Tế. Thủ lễ: Giữ gìn phép tắc cư xử.
KHẢO DỊ:
- KSH. MLÐ, Kinh NQ, Kinh Lễ, Kinh TÐ-TÐ 1936: Sanh
điều chích mích.
- Kinh TÐ-TÐ 1968, 1974, 1975: Sanh điều xích mích.
Xem tiếp giải nghĩa Câu 121. "Giàu sang ấy Ơn Trên giúp sức,"
[ 1 ] [ 2 ] [ 3 ] [ 4 ] [ 5 ] [ 6 ] [ 7 ] [ 8 ] [ 9 ] [ 10 ] [ 11 ] [ 12 ] [ 13 ] [ 14 ] [ 15 ] [ 16 ] [ 17 ] [ 18 ] [ 19 ] [ 20 ] [ 21 ] [ 22 ] [ 23 ] [ 24 ] [ 25 ] [ 26 ] [ 27 ] [ 28 ] [ 29 ] [ 30 ] [ 31 ] [ 32 ] [ 33 ] [ 34 ] [ 35 ] [ 36 ] [ 37 ] [ 38 ] [ 39 ] [ 40 ] [ 41 ] [ 42 ] [ 43 ] [ 44 ] [ 45 ] [ 46 ] [ 47 ] [ 48 ] [ 49 ] [ 50 ] [ 51 ] [ 52 ] [ 53 ] [ 54 ] [ 55 ] [ 56 ] [ 57 ] [ 58 ] [ 59 ] [ 60 ] [ 61 ] [ 62 ] [ 63 ]
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét